Nga đặt cược vào tương lai khí đốt

Nga đặt cược vào tương lai khí đốt
6 giờ trướcBài gốc
Các máy bơm dầu bên ngoài Almetyevsk ở Cộng hòa Tatarstan, Nga. Ảnh REUTERS/Alexander Manzyuk
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ công bố kế hoạch chi tiết nhằm chấm dứt việc nhập khẩu dầu khí từ Nga vào ngày 6/5 tới, sau hai lần trì hoãn so với thời hạn ban đầu. Đây là bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của EU: Chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga trước năm 2027, như một phần phản ứng trước xung đột ở Ukraine bùng phát từ năm 2022.
Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch cụ thể vẫn liên tục bị lùi lại do nhiều yếu tố địa chính trị và kinh tế.
Những trở ngại chính
Một trong những lý do khiến kế hoạch bị chậm là lo ngại về chính sách thuế mới từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại EU – Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra, trong nội bộ EU cũng tồn tại nhiều bất đồng. Dù khí đốt từ Nga chảy qua đường ống sang châu Âu đã giảm mạnh từ năm 2022, nhưng EU lại tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong năm 2024. Năm ngoái, Nga vẫn cung cấp khoảng 19% tổng lượng khí đốt và LNG mà EU tiêu thụ.
Hiện tại, không giống như dầu mỏ, khí đốt của Nga vẫn chưa bị EU trừng phạt. Tuy nhiên, kế hoạch cấm khí đốt đang gặp phản đối mạnh từ một số nước thành viên, đặc biệt là Hungary – quốc gia kiên quyết không ủng hộ các lệnh trừng phạt năng lượng. Một số quốc gia khác cũng e ngại việc từ bỏ LNG Nga mà chưa có nguồn thay thế ổn định sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khối.
Giải pháp thay thế: LNG từ Mỹ và đề xuất đánh thuế khí đốt Nga
Trong bối cảnh tìm nguồn thay thế, EC đang cân nhắc tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ – quốc gia từng đóng vai trò then chốt giúp châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng năm 2022. Hiện Mỹ là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba cho EU, sau Na Uy và Nga.
Một số chuyên gia từ Viện nghiên cứu Bruegel tại Brussels cũng đề xuất EU nên áp thuế lên khí đốt Nga để giảm lệ thuộc mà không cần ra lệnh cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại rằng nếu EU phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt từ Mỹ, khối này có thể rơi vào thế bị động mới – nhất là khi Tổng thống Trump nhiều lần để ngỏ khả năng dùng năng lượng như một “chiêu bài mặc cả”, trong các cuộc đàm phán thương mại với EU.
Nga đặt cược vào tương lai khí đốt: Tăng trưởng mạnh đến năm 2050
Trong khi EU đang tìm cách cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga, thì Moscow lại công bố một chiến lược dài hạn đầy tham vọng. Theo kế hoạch phát triển ngành năng lượng mới được công bố hôm thứ Hai, Nga dự báo sản lượng dầu sẽ giữ ổn định, còn khí đốt – đặc biệt là LNG – sẽ tăng trưởng mạnh cả về sản lượng lẫn xuất khẩu trong 25 năm tới.
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ vào năm 2022, khí đốt xuất sang châu Âu qua đường ống gần như tê liệt, nhưng xuất khẩu dầu của Nga vẫn duy trì ở mức ổn định.
Nga đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi lượng khí xuất khẩu (bao gồm cả LNG và khí dẫn qua đường ống) lên 293 tỷ mét khối, so với mức 146 tỷ mét khối năm 2023. Đến năm 2050, con số này dự kiến đạt 438 tỷ mét khối.
Trong khi đó, sản lượng dầu hàng năm của Nga dự báo sẽ ổn định quanh mức 540 triệu tấn (tương đương 10,8 triệu thùng/ngày), nhỉnh hơn một chút so với mức 531 triệu tấn năm 2023. Xuất khẩu dầu dự kiến giữ ở mức khoảng 235 triệu tấn mỗi năm trong giai đoạn 2030–2050.
Trở ngại từ phương Tây và niềm tin vào LNG
Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây – bao gồm hạn chế xuất khẩu dầu và LNG – Nga vẫn kiên định với mục tiêu mở rộng lĩnh vực LNG.
Do lệnh cấm từ Mỹ, Nga hiện chưa thể xuất khẩu LNG từ dự án Arctic LNG-2, dù nhà máy này đã cho ra lô hàng đầu tiên từ tháng 12/2023.
Dù vậy, Nga kỳ vọng xuất khẩu LNG sẽ tăng mạnh: Từ 45 tỷ mét khối năm 2023 lên 142 tỷ mét khối năm 2030, và đạt 241 tỷ mét khối vào năm 2050.
Nh.Thạch
Reuters
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-dat-cuoc-vao-tuong-lai-khi-dot-726411.html