Nga đặt 'lằn ranh đỏ' về huấn luyện quân sự cho Ukraine

Nga đặt 'lằn ranh đỏ' về huấn luyện quân sự cho Ukraine
7 giờ trướcBài gốc
Việc gần 130.000 binh sĩ Ukraine được phương Tây đào tạo khiến Nga coi đây là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, gây trở ngại lớn cho tiến trình hòa bình (trong ảnh: Binh sĩ Ukraine tham gia buổi huấn luyện ở ngoại ô Kiev ngày 21/11/2023). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo Izvestia của Nga ngày 30/6, Moskva đã công khai yêu cầu các nước phương Tây ngừng đào tạo quân nhân Ukraine. Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, ông Rodion Miroshnik, nhấn mạnh đây là một trong những điều kiện "không thể thương lượng" để đạt được thỏa thuận hòa bình. Ông khẳng định sự tham gia dưới mọi hình thức của các quốc gia khác vào cuộc xung đột, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ, phải chấm dứt.
"Một minh chứng thực sự cho ý định giải quyết tình hình sẽ là việc chấm dứt các chương trình này", ông Miroshnik nói với Izvestia.
Phạm vi và quy mô các chương trình huấn luyện
Kể từ năm 2022, nhiều quốc gia phương Tây đã triển khai các chương trình huấn luyện quy mô lớn cho lực lượng vũ trang Ukraine (AFU). Đáng chú ý, Anh đang tiến hành Chiến dịch Interflex (chương trình đào tạo tân binh Ukraine do Anh dẫn đầu đã được triển khai vào ngày 26/6/2022, trong khi Liên minh châu Âu (EU) giám sát việc đào tạo thông qua Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU (EUMAM).
Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng khi huấn luyện quân sự cho Ukraine tại các căn cứ ở Đức, tập trung vào việc chuẩn bị cho các hoạt động chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO.
Trong ba năm qua, ước tính gần 130.000 quân nhân Ukraine đã được đào tạo thông qua các chương trình này. Đây là một con số đáng kể, cho thấy quy mô và mức độ hỗ trợ mà phương Tây đang cung cấp cho Ukraine về mặt năng lực quân sự.
Riêng chiến dịch Interflex, theo chính phủ Anh, hơn 56.000 binh lính Ukraine đã được Anh và 13 quốc gia đối tác huấn luyện. Các giảng viên đến từ Australia, Đan Mạch, Canada, Litva, New Zealand, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển cũng đã tham gia.
Trong khi đó, Phái bộ hỗ trợ quân sự EU (EUMAM) cho Ukraine đã trở thành nhà cung cấp đào tạo lớn nhất châu Âu. Ra mắt vào tháng 10/2023, phái bộ này nhằm mục đích tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine. Ngân sách ban đầu của phái bộ là 60 triệu euro đã được tăng lên 255 triệu euro vào năm 2023 để hỗ trợ thiết bị, đạn dược và nhu cầu đào tạo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đây cho biết vai trò của EU trong việc huấn luyện quân đội Ukraine khiến EU trở thành "một bên trong cuộc xung đột" và cảnh báo về hậu quả.
Mục tiêu của Nga và phản ứng từ phương Tây
Izvestia lưu ý, việc "phi quân sự hóa Ukraine và loại bỏ các mối đe dọa trong tương lai từ lãnh thổ nước này" vẫn là những mục tiêu trọng tâm của "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, như Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố. Từ góc độ của Moskva, các chương trình huấn luyện trên được coi là "hành động thù địch" trực tiếp chống lại Nga.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev phát biểu với Izvestia rằng: "Bất kỳ sự hỗ trợ nào dành cho Ukraine giúp nước này tiếp tục các hành động thù địch hoặc lên kế hoạch cho các hoạt động tấn công đều không góp phần giải quyết xung đột và cấu thành hành động thù địch chống lại Nga".
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Grigory Karasin cũng bày tỏ quan ngại rằng hành động của NATO và Anh cho thấy họ "không quan tâm đến việc theo đuổi thỏa hiệp hoặc thúc đẩy đàm phán".
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng việc phương Tây đình chỉ các sáng kiến đào tạo này là "không có khả năng xảy ra trong thời gian tới". Điều này tạo ra một rào cản lớn cho tiến trình đàm phán hòa bình.
Tiến độ đàm phán phụ thuộc vào Kiev và Washington
Hãng thông tấn TASS cùng ngày dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lưu ý rằng lập trường của Moskva về giải pháp cho vấn đề Ukraine "rất rõ ràng". Ông cho biết tiến độ đàm phán sẽ phụ thuộc phần lớn vào "lập trường của Kiev và mức độ hiệu quả của Washington trong việc tiếp tục các nỗ lực hòa giải".
Mặc dù Moskva hy vọng về một vòng đàm phán tiếp theo với Ukraine sẽ sớm được thống nhất, ông Peskov xác nhận chưa có cuộc họp mới nào được lên lịch. "Chúng tôi đang mong đợi vòng đàm phán thứ ba. Chúng tôi hy vọng sẽ có thông tin rõ ràng về ngày diễn ra trong thời gian tới", ông Peskov nói.
Trước đó tờ Kyiv Post (Ukraine) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rustem Umerov cho biết Ukraine có kế hoạch đề xuất một cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin sau khi kết thúc các cuộc đàm phán về các vấn đề nhân đạo
Theo ông Umerov, Ukraine đã ủng hộ đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn hoàn toàn từ đầu tháng 3, nhưng Nga vẫn chưa phản hồi và tiếp tục đưa ra tối hậu thư mà Ukraine không thể chấp nhận.
“Ukraine luôn kiên định theo đuổi hòa bình. Chúng tôi ủng hộ sáng kiến của Mỹ về lệnh ngừng bắn hoàn toàn ngay từ đầu và thể hiện cam kết của mình thông qua nhiều vòng đàm phán. Nhưng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng phải diễn ra mà không có tối hậu thư và tôn trọng hoàn toàn chủ quyền của đất nước chúng tôi”, ông Umerov nêu rõ.
Việc Nga đặt ra điều kiện tiên quyết về việc ngừng huấn luyện quân sự cho Ukraine cho thấy Moscow coi đây là một "lằn ranh đỏ". Tuy nhiên, với việc phương Tây dường như khó có thể từ bỏ sự hỗ trợ này, con đường dẫn đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine vẫn còn đầy chông gai và thách thức.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-dat-lan-ranh-do-ve-huan-luyen-quan-su-cho-ukraine-20250630195518494.htm