Các công ty dầu khí Nga đang tăng tốc khoan giếng với tốc độ cao nhất trong vòng ít nhất 5 năm qua. Ảnh RT
Tốc độ khoan hiện tại – cao hơn hơn 1/3 so với trước khi xảy ra chiến sự ở Ukraine – cho thấy ngành dầu mỏ Nga vẫn duy trì được sức mạnh đáng kể bất chấp sức ép từ phương Tây. Trước đó, các biện pháp trừng phạt nhằm mục tiêu hạn chế khả năng phát triển lâu dài của ngành dầu khí Nga, bằng cách cắt nguồn tiếp cận công nghệ và thiết bị hiện đại từ nước ngoài.
Theo ông Ronald Smith, chuyên gia của công ty tư vấn Emerging Markets Oil & Gas Consulting, năng lực khai thác dầu và condensate của Nga hiện vẫn ở mức ổn định, khoảng 11–11,5 triệu thùng/ngày – gần tương đương với mức của năm 2016.
“Ngành dịch vụ dầu khí Nga đã thích nghi tương đối tốt với các lệnh trừng phạt”, ông Smith nhận định. “Dĩ nhiên, không phải mọi thứ đều có thể thay thế hoàn hảo, nhưng nhìn chung, họ đã tìm ra các giải pháp thay thế phù hợp để duy trì hoạt động”, ông nói thêm.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, trong hai tháng đầu năm, tổng chiều dài các giếng khoan khai thác ở Nga trung bình đạt hơn 2.370 km – mức cao nhất kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Trước đó, trong giai đoạn đầu xung đột, hoạt động khoan chững lại khi nhiều công ty dịch vụ dầu khí phương Tây rút khỏi Nga.
Tuy nhiên, khi các công ty nước ngoài rời đi, họ thường chuyển nhượng lại chi nhánh địa phương cho đội ngũ quản lý trong nước, nhờ đó giữ lại được phần lớn thiết bị và kỹ thuật. Một số nhà cung cấp như SLB hay Weatherford International vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga, dù quy mô đã thu hẹp.
Ông Dmitry Kasatkin – đối tác tại công ty tư vấn Kasatkin Consulting – cho biết trong 3 năm qua, các doanh nghiệp Nga đã tự phát triển hoặc tìm được nguồn thay thế cho phần lớn thiết bị kỹ thuật cần thiết.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng chất lượng khoan đã phần nào bị ảnh hưởng. Ông Sergey Vakulenko – cựu lãnh đạo một công ty dầu khí Nga, nay là học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế – cho rằng có thể có sự suy giảm ở một số khâu kỹ thuật như: Đoạn khoan ngang ngắn, số lần khoan ít, hoặc khả năng định vị giếng kém chính xác hơn trước.
“Ảnh hưởng thực tế của các lệnh trừng phạt và việc các công ty phương Tây rút khỏi Nga thấp hơn nhiều so với những gì nhiều người dự báo vào năm 2022”, ông Vakulenko nhận xét.
Bộ Năng lượng Nga từ chối bình luận về hoạt động khoan hiện tại, bên cạnh đó, SLB và Weatherford cũng không bình luận về kế hoạch kinh doanh tại Nga.
Nga tăng tốc khoan dầu để giữ sản lượng tại các mỏ đã khai thác lâu năm
Để giữ được sản lượng dầu thô phù hợp với kế hoạch nới lỏng hạn ngạch của OPEC+, các công ty dầu khí Nga đang phải đẩy mạnh khoan tại các mỏ đã cũ – phần lớn trong số đó được khai thác từ thời Liên Xô.
Theo ước tính của hãng tư vấn Yakov and Partners tại Moscow, hiện khoảng 95% sản lượng dầu thô và condensate của Nga đến từ những mỏ dầu được phát hiện và khai thác từ hàng chục năm trước.
“Trữ lượng vẫn còn khá nhiều, nhưng phần “dễ khai thác” thì đã lấy gần hết. Giờ đây, để duy trì sản lượng, ngành dầu khí Nga phải nỗ lực hơn rất nhiều”, chuyên gia Sergey Vakulenko nhận định.
Giải pháp của Nga hiện nay là tăng cường khoan ngang – một kỹ thuật hiệu quả hơn so với khoan thẳng truyền thống – tại các mỏ lâu năm, đặc biệt ở vùng Tây Siberia. Theo ông Dmitry Kasatkin, hiện các giếng khoan ngang chiếm khoảng 80% tổng hoạt động khoan tại khu vực này, và có thể tăng lên tới 95% vào năm 2030 – tương đương với vùng mỏ Permian ở Mỹ.
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, tỷ trọng giếng khoan ngang trên toàn quốc hiện đã tăng lên khoảng 2/3, so với chỉ 50% vào năm 2020.
Nga hụt hơi trong cuộc đua tìm mỏ mới
Dù tăng tốc khoan khai thác, Nga lại đang tụt lại ở mảng thăm dò mỏ dầu mới.
Trong hai tháng đầu năm nay, tổng chiều dài khoan thăm dò trung bình chỉ đạt 46 km/tháng – giảm mạnh so với 68 km cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn đáng kể so với mức gần 75 km vào mùa đông trước xung đột ở Ukraine vào năm 2022.
“Khi thị trường biến động, giá dầu lên xuống thất thường và ở mức thấp, điều đầu tiên các nhà khai thác cắt giảm là hoạt động thăm dò mỏ mới”, ông Kasatkin cho biết. Ông Vakulenko bổ sung thêm rằng lãi suất vay cao (trên 10%), và tình trạng thiếu lao động cũng đang làm chậm các dự án thăm dò.
Bên cạnh đó, việc thiếu công nghệ tiên tiến – nhất là cho các khu vực khó như vùng biển sâu hoặc Bắc Cực – cũng là rào cản lớn. EU và Mỹ hiện vẫn cấm cung cấp các công nghệ và thiết bị này cho Nga. Bà Anna Volkova từ Yakov and Partners cho rằng, điều này ảnh hưởng đáng kể đến năng lực mở rộng khai thác trong tương lai.
Ông Kasatkin dự báo rằng hoạt động thăm dò tại Nga sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến ít nhất là năm 2030 – thời điểm nước này buộc phải thăm dò thêm các mỏ dầu mới để thay thế cho nguồn cung tại Tây Siberia, vốn được dự báo sẽ suy giảm đáng kể từ khoảng năm 2035.
Dù vậy, chuyên gia Ronald Smith cho rằng Nga vẫn còn thời gian: “Từ giờ cho tới lúc đó, Nga vẫn có nhiều mỏ truyền thống – dù khai thác khó hơn – và công nghệ hiện có vẫn đủ để xử lý”.
Nh.Thạch
AFP