Nga điều 4 đơn vị tấn công tinh nhuệ nhất tới Sumy, quân tiếp viện của Triều Tiên đang đến

Nga điều 4 đơn vị tấn công tinh nhuệ nhất tới Sumy, quân tiếp viện của Triều Tiên đang đến
16 giờ trướcBài gốc
Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến Cận vệ biệt lập số 40 của Nga với xe tăng T-90M. Ảnh: MW.
Quân đội Nga đã điều động một số đơn vị tấn công tinh nhuệ nhất của mình tới tiền tuyến tại tỉnh Sumy, Ukraine, khi các cuộc tiến công liên tiếp đưa lực lượng Nga áp sát thủ phủ khu vực này chỉ còn cách khoảng 20 km. Đợt triển khai mới nhất của Nga diễn ra sau khi Ukraine điều các đơn vị đặc nhiệm của Cục Tình báo Quốc phòng (HUR) tới Sumy, cùng với những lực lượng khác như Lữ đoàn Cơ giới biệt lập số 158 – đơn vị được cho là đã giúp làm chậm đà tiến công của Nga.
Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu HUR, mô tả 4 đơn vị tấn công Nga tại mặt trận Sumy là “tinh nhuệ nhất trong số các đơn vị tấn công của Liên bang Nga”, gồm: Sư đoàn Đổ bộ Cận vệ 104, Lữ đoàn tấn công đường không 83, Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến Cận vệ biệt lập số 40, và Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 155. “Họ đang vấp phải sự kháng cự điên cuồng từ phía chúng tôi”, ông nói thêm.
Binh sĩ của Lữ đoàn tấn công đường không số 83 của Nga. Ảnh: MW.
Tờ Wall Street Journal mới đây đăng tải một báo cáo gây lo ngại về tình trạng phòng thủ của Ukraine ở Sumy, với nhận định: “sau cuộc rút quân hỗn loạn và tổn thất lớn từ Kursk, họ đã phát hiện hệ thống chiến hào cũ kỹ, không có mái che chống máy bay không người lái. Nhiều binh sĩ hiện phải tự đào hầm trú ẩn dưới hỏa lực UAV”. Binh sĩ tuyến đầu Ukraine chỉ trích mạnh mẽ tình trạng phòng thủ kém hiệu quả, không phù hợp với hình thái chiến trường hiện đại, đặc biệt là việc thiếu sử dụng mìn để cản bước tiến của Nga.
Khi lực lượng Nga tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng, các chiến dịch tấn công song song tại Donetsk, Lugansk và Zaporizhzhia cũng thu về kết quả đáng kể, với việc lực lượng Ukraine gần như bị đánh bật hoàn toàn khỏi vùng Lugansk.
Xe tăng Leopard 2A6 do Đức cung cấp bị phá hủy tại Kursk vào tháng 9/2024. Ảnh: MW.
Yếu tố then chốt giúp Nga mở rộng đà tiến công ở Sumy và các vùng tranh chấp là nhờ việc tăng cường lực lượng từ khu vực Kursk, nơi các đơn vị Ukraine cuối cùng bị đánh bại vào tháng 4 với sự trợ giúp của binh sĩ Triều Tiên. Việc kiểm soát Kursk, nơi hiện có nhiều đơn vị Quân đội Nhân dân Triều Tiên đóng quân, đã cho phép Nga điều động thêm lực lượng tới tiền tuyến.
Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), được các nghị sĩ tại Seoul trích dẫn, Bình Nhưỡng dự kiến sẽ triển khai thêm quân nhân tới mặt trận Ukraine vào tháng 7 hoặc 8. Mặc dù Triều Tiên chưa điều động quy mô lớn binh sĩ tới các khu vực tranh chấp hoặc lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận, họ đã tham gia bảo vệ các khu vực như Kursk.
Quân đội Triều Tiên trong cuộc tập trận tấn công đường không. Ảnh: MW.
Khả năng quân đội Triều Tiên sẽ được điều đến hỗ trợ tấn công tại các khu vực phía tây như Donetsk và Sumy vẫn được bỏ ngỏ. Các nguồn tin từ Nga cho biết quân nhân Triều Tiên thể hiện khả năng huấn luyện và chiến đấu vượt trội so với nhiều đơn vị tiền tuyến của Nga, đặc biệt là so với lực lượng bán quân sự như Wagner hay dân quân ở Donetsk. Tuy nhiên, việc đặc nhiệm Triều Tiên có tham chiến hay chưa vẫn chưa được xác nhận.
Bên cạnh lực lượng tác chiến, binh sĩ Triều Tiên còn chuẩn bị cử 1.000 chuyên gia gỡ mìn và 5.000 kỹ sư quân sự sang hỗ trợ công tác rà phá bom mìn và tái thiết vùng Kursk. Ngoài ra, công nhân công nghiệp Triều Tiên cũng đang đóng vai trò quan trọng giúp ngành công nghiệp quốc phòng Nga đạt được mục tiêu sản xuất đầy tham vọng, đặc biệt trong lĩnh vực UAV.
Vụ phóng Bulsae-4 của Triều Tiên khiến pháo Gvozdika bị tổn thất. Ảnh: MW.
Không chỉ có tiêu chuẩn huấn luyện cao, nhiều vũ khí trang bị của Triều Tiên còn tỏ ra vượt trội so với khí tài Nga. Ví dụ điển hình là tên lửa chống tăng Bulsae-4, được phát hiện trên chiến trường từ tháng 8/2024 với tầm bắn lên tới 10 km và khả năng công kích từ trên xuống – điều chưa từng thấy ở các hệ thống Nga cùng loại. Ngoài ra, lựu pháo cỡ nòng 170 mm của Triều Tiên cũng có tầm bắn xa hơn pháo Nga, với độ chính xác cao, theo báo cáo từ các sĩ quan Ukraine cấp cao.
Các vũ khí tiên tiến từ Triều Tiên được kỳ vọng sẽ tiếp tục được triển khai trong khu vực Ukraine, đồng thời xuất khẩu sang Nga để trang bị cho quân đội nước này. Riêng trong lĩnh vực pháo binh, nhiều đơn vị Nga hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đạn dược do Triều Tiên cung cấp, trong đó ít nhất 6 đơn vị pháo binh Nga hiện sử dụng từ 50–100% đạn pháo xuất xứ từ Bình Nhưỡng.
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/nga-dieu-4-don-vi-tan-cong-tinh-nhue-nhat-toi-sumy-quan-tiep-vien-cua-trieu-tien-dang-den-post187149.html