Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M của quân đội Nga. Ảnh: Military Watch.
Hôm 21/5, một đơn vị tên lửa đạn đạo Iskander-M thuộc Lục quân Nga được cho là đã gây ra hàng chục thương vong trong một đợt tấn công nhằm vào trại huấn luyện của quân đội Ukraine tại vùng Sumy, với số người thiệt mạng lên tới 70 người.
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận vụ tấn công này và cho biết trong tuyên bố: “Thông qua các hoạt động trinh sát của lực lượng vũ trang Liên bang Nga, một trại huấn luyện của Lữ đoàn đặc nhiệm số 1 thuộc quân đội Ukraine đã được phát hiện trong khu vực thị trấn Shostka, tỉnh Sumy. Tọa độ mục tiêu đã được chuyển đến hệ thống tên lửa Iskander, từ đó tiến hành cuộc tấn công. Kết quả là khoảng 70 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, trong đó có 20 huấn luyện viên. Ngoài ra, một kho đạn và khoảng 10 phương tiện cơ giới cũng bị phá hủy”.
Từ khi xung đột quy mô lớn giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, việc Nga sở hữu lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật đã tạo ra lợi thế lớn trên chiến trường. Từ năm 2023, nhờ ngành công nghiệp quốc phòng mở rộng năng lực sản xuất dòng tên lửa 9K720, tần suất sử dụng hệ thống Iskander-M đã tăng mạnh.
Việc gia tăng kho tên lửa Iskander-M cho phép quân đội Nga triển khai các chiến thuật mới, nổi bật trong số đó là “đòn tấn công kép” (double strike) – được áp dụng từ tháng 11/2023. Chiến thuật này bao gồm việc phóng nhiều tên lửa vào cùng một mục tiêu định sẵn, với đợt tấn công tiếp theo được thực hiện sau một khoảng thời gian được tính toán để khiến lực lượng Ukraine mất cảnh giác.
Mục tiêu của chiến thuật này là gây thương vong tối đa sau khi binh sĩ hoặc nhân viên cứu hộ Ukraine tập trung tại hiện trường vụ nổ đầu tiên.
Một ví dụ là vụ “đánh kép” nhằm vào đoàn tàu Ukraine ở làng Budy thuộc vùng Kharkov. Vụ tấn công phá hủy nhiều toa tàu và cơ sở hạ tầng lân cận. Sau cú đánh đầu tiên, trong lúc nhân viên Bộ Nội vụ Ukraine và Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước đã có mặt để đánh giá thiệt hại, quả tên lửa thứ hai được phóng đi, giết chết cả người đứng đầu chi nhánh Dịch vụ Khẩn cấp khu vực Kharkov.
Bên cạnh các cuộc tấn công vào nơi tập trung nhân lực, hệ thống Iskander-M còn nổi bật nhờ hiệu quả cao trong việc triệt hạ các hệ thống phòng không như Patriot của Ukraine, đóng vai trò như lực lượng “nhân lên sức mạnh” giúp tăng cường khả năng tấn công ở các khu vực lân cận. Bộ Quốc phòng Nga cũng sử dụng các cuộc tấn công bằng Iskander-M nhằm vào binh sĩ và nhà thầu phương Tây đang hoạt động tại Ukraine.
Iskander-M khác biệt so với nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo khác ở chỗ tên lửa của nó bay theo quỹ đạo bán đạn đạo thấp (semi-ballistic depressed trajectories), có thể thực hiện các thao tác cơ động phức tạp trong suốt hành trình. Điều này khiến chúng cực kỳ khó bị phát hiện hoặc đánh chặn, đồng thời giúp điều hướng linh hoạt hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn.
Từ năm 2024, kho vũ khí Iskander-M của Nga còn được bổ sung thêm hệ thống KN-23 do Triều Tiên cung cấp, vốn có nhiều tính năng tương đồng. KN-23 được cho là phát triển trong thập niên 2010 với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga.
Theo Military Watch
Huyền Chi