Việc Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân có liên quan tình hình hiện tại, khi Ukraine được phép sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ. (Nguồn: Hindustan Times)
Ngày 19/11, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro, Brazil, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga cho rằng, vũ khí hạt nhân chỉ nhằm mục đích kiềm giữ sự hiếu chiến và ngăn chặn bất kỳ một cuộc chiến hạt nhân nào, đồng thời khẳng định Moscow mong muốn một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Về Học thuyết hạt nhân mới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích, những sửa đổi học thuyết được đưa ra liên quan đến tình hình hiện tại và tài liệu để ngỏ khả năng đáp trả hạt nhân nếu Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây tấn công Nga.
Về phản ứng của Mỹ, cùng ngày, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết, Washington không ngạc nhiên trước việc Moscow thay đổi học thuyết hạt nhân vì Nga đã ra tín hiệu về ý định cập nhật học thuyết này nhiều tuần.
Reuters cho hay, trong một tuyên bố, người phát ngôn trên cũng khẳng định: "Do không thấy có thay đổi nào về thế trận hạt nhân của Nga, chúng tôi không thấy lý do gì để điều chỉnh thế trận hoặc học thuyết hạt nhân của mình để đáp trả các tuyên bố của Nga hôm nay".
Tuyên bố của Nhà Trắng cũng viện dẫn việc Moscow sử dụng quân đội Triều Tiên ở Ukraine, gọi là sự leo thang đáng kể.
Cũng trong ngày 19/11, hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) suy nghĩ về việc Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân.
Ông Erdogan nói: “Tôi cho rằng quan điểm này của Nga trước hết là biện pháp được thực hiện nhằm đối phó với những hành vi chống lại họ… Bước đi này của Moscow cần được các quan chức NATO xem xét”.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có đủ lực lượng và phương tiện để tự vệ và các nước thành viên NATO cũng cần suy nghĩ về khả năng phòng thủ của mình.
Lưu ý rằng Nga và Ukraine là láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara phải quan tâm đến mối quan hệ với cả hai nước, ông Erdogan bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn và hòa bình có thể đạt được càng sớm càng tốt.
Trước đó cùng ngày 19/11, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới, trong đó nêu rõ, Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, đều được coi là cuộc tấn công chung của họ vào Liên bang Nga.
Moscow cũng bảo lưu quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường vi phạm chủ quyền của Nga, một vụ phóng máy bay, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương trên diện rộng nhắm vào lãnh thổ quốc gia, hay việc chúng vượt qua biên giới Nga và tấn công quốc gia đồng minh Belarus.
Tên lửa đạn đạo ATACMS, được lãnh đạo Mỹ phê duyệt chuyển giao cho Ukraine, thuộc loại vũ khí này. Mới đây, Washinton đã gỡ bỏ các hạn chế nhằm ngăn cản Kiev tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga. Moscow coi đây là sự can dự trực tiếp của Mỹ vào xung đột.
Bảo Minh