Nga giúp Iran phát triển một hệ thống phòng không tương đương THAAD của Mỹ?

Nga giúp Iran phát triển một hệ thống phòng không tương đương THAAD của Mỹ?
7 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh sức mạnh không quân đang là nền tảng quân sự giữa Mỹ và Israel, khả năng xuất hiện một hệ thống đối trọng từ Iran đặt ra câu hỏi về sự chuyển dịch cán cân sức mạnh trong khu vực và trên toàn cầu.
Theo phía Iran, hệ thống phòng không mới sẽ được công bố chính thức trong vòng vài tuần tới. Tuy nhiên, thông tin này đã bị hoài nghi từ phía cộng đồng quốc phòng Mỹ. Nhiều chuyên gia tại Washington lập luận rằng với ngân sách hạn chế, Tehran khó có thể phát triển được một hệ thống có tính năng tương đương với THAAD vốn là sản phẩm của nhiều thập kỷ đầu tư công nghệ và tài chính lớn từ Mỹ. Dẫu vậy, không ít ý kiến cho rằng sự hoài nghi này có thể mang tính chủ quan, đặc biệt khi nhìn lại các "bước lùi" quân sự của phương Tây trong những năm gần đây như ở Afghanistan, Yemen hay sự đình trệ trong xung đột tại Ukraine.
THAAD được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới - Ảnh: Reuters
Iran có thể tự phát triển một hệ thống như THAAD?
National Interest nhận định, dù vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về năng lực thật sự của hệ thống phòng không mới mà Iran tuyên bố, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng nước này đang tiến gần hơn tới việc sở hữu một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao hiện đại. Iran đã nhiều lần chứng minh sự linh hoạt trong phát triển công nghệ quân sự nội địa, đặc biệt khi bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ngoài ra, các mối đe dọa thực tế mà Tehran đang đối mặt bao gồm nguy cơ bị tấn công từ Mỹ và Israel cũng là động lực thúc đẩy quốc gia đầu tư mạnh vào công nghệ phòng không. Những kế hoạch không kích các cơ sở hạt nhân Iran từng được tiết lộ trong nhiệm kỳ của chính quyền Trump khiến Tehran càng có lý do để phát triển năng lực phòng thủ chủ động và hiệu quả hơn.
Một sự kiện đáng chú ý xảy ra vào tháng 10.2024, khi máy bay chiến đấu F-35I Adir của Israel được cho là đã xâm nhập không phận Iran và phá hủy một số vị trí phòng không sử dụng hệ thống S-300 do Nga sản xuất. Sau vụ tấn công, Israel tuyên bố giành được “ưu thế leo thang”.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là kể từ sau vụ việc, Israel không thực hiện thêm bất kỳ chiến dịch không kích lớn nào khác vào lãnh thổ Iran, dù trước đó có thông tin cho rằng một kế hoạch tấn công quy mô đã được chuẩn bị. Một giả thuyết được đặt ra là lực lượng không quân Israel có thể đã phát hiện mạng lưới phòng không mới của Iran có khả năng phát hiện và theo dõi cả các dòng tiêm kích tàng hình hiện đại như F-35. Nếu điều này đúng thì đây là một chuyển biến đáng kể trong khả năng phòng thủ của Tehran.
Việc F-35I không thực hiện thêm đòn tấn công sau khi xâm nhập thành công cũng là dấu hiệu cho thấy đối phương đã thiết lập hệ thống phòng không đủ mạnh để khiến các chỉ huy quân sự phải cân nhắc kỹ lưỡng trước bất kỳ hành động tiếp theo nào.
Vai trò của Nga trong chương trình phòng không của Iran
Một trong những yếu tố được cho là có thể giúp Iran rút ngắn khoảng cách công nghệ với Mỹ nằm ở mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga. Dù phương Tây thường hoài nghi về các tuyên bố quân sự từ Tehran, nhiều nhà phân tích thừa nhận rằng để hệ thống phòng không giống THAAD hoạt động hiệu quả, yếu tố cảm biến là then chốt.
Tuy các cảm biến do Iran tự phát triển có thể chưa đạt đến trình độ của phương Tây, nhưng Nga, một đồng minh quân sự quan trọng, được cho là đang hỗ trợ Tehran bằng cách chuyển giao các công nghệ cảm biến tân tiến.
Trong bối cảnh Iran đã cung cấp đáng kể máy bay không người lái (UAV) và hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng vũ trang Nga trong chiến sự tại Ukraine, việc Moscow đáp lại bằng cách hỗ trợ phát triển hệ thống phòng không hiện đại được đánh giá là có cơ sở thực tế.
Sự hợp tác này không chỉ mang tính chiến thuật mà còn phục vụ chiến lược dài hạn của cả hai bên. Iran cần nâng cấp năng lực phòng không để đối phó với các mối đe dọa từ Israel và Mỹ, trong khi Nga cần giữ chân một đồng minh chiến lược tại Trung Đông giữa lúc quan hệ với phương Tây tiếp tục căng thẳng.
THAAD: Nền tảng phòng thủ mạnh nhưng đang lộ điểm yếu?
Hệ thống THAAD, do Lockheed Martin phát triển, là một phần trong mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối, tức là khi tên lửa đã bay vào hoặc chuẩn bị rời khỏi tầng khí quyển. Công nghệ đánh chặn của THAAD không sử dụng đầu đạn nổ mà dựa trên động năng, nghĩa là tên lửa đánh chặn tiêu diệt mục tiêu bằng cách va chạm trực tiếp với tốc độ cực cao.
Hệ thống này có khả năng đánh chặn ở độ cao lên đến 150km, tầm bắn từ 150 đến 200km. THAAD sử dụng tên lửa một tầng, triển khai trên xe tải với mỗi bệ phóng có thể mang đến tám tên lửa. Radar AN/TPY-2 X-band đi kèm có khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu ở cự ly lên đến gần 3.000km tùy chế độ hoạt động.
Kể từ khi được đưa vào triển khai năm 2008, THAAD đã có thành tích hoạt động tương đối ổn định, với 14 lần đánh chặn thành công trong tổng số 18 lần thử nghiệm từ 2006 đến 2019. Các biến thể sản xuất hàng loạt chưa từng thất bại trong thử nghiệm.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quốc phòng, hệ thống này đang dần trở nên "lỗi thời về mặt khái niệm". Điều này không chỉ do tốc độ phát triển của các công nghệ tên lửa mới như tên lửa siêu thanh, mà còn do số lượng hệ thống THAAD hiện có không đủ để đối phó với các mối đe dọa đa dạng và ngày càng tinh vi.
Vấn đề càng trở nên đáng lo ngại khi các đối thủ chiến lược của Mỹ bao gồm Nga, Trung Quốc và Iran đều đã công bố, hoặc được cho là đang thử nghiệm các loại tên lửa siêu thanh. Thậm chí, một số nguồn tin nghi ngờ rằng các tên lửa siêu thanh như Palestine-2 được phóng gần đây vào sân bay Ben-Gurion của Israel có thể là biến thể nội địa hóa từ mẫu Fattah-1 của Iran.
Nếu các hệ thống phòng không của Iran thực sự có thể đối phó hiệu quả với máy bay tàng hình, một trong những vũ khí chủ lực của Mỹ và đồng minh, thì điều này không chỉ ảnh hưởng đến cục diện khu vực mà còn đặt ra vấn đề về học thuyết sử dụng không quân trong chiến tranh hiện đại.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nga-giup-iran-phat-trien-mot-he-thong-phong-khong-tuong-duong-thaad-cua-my-232838.html