Lễ hạ thủy tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Chukotka tại St. Petersburg, Nga, ngày 6/11/2024. Ảnh: Sputnik / Aleksey Danichev
Theo hãng tin RT, Tổng thống Nga ngày 6/11 đã ra lệnh hạ thủy tàu Chukotka tại Xưởng đóng tàu Baltic ở thành phố St. Petersburg thông qua hội nghị truyền hình. "Tôi cho phép hạ thủy!" ông Putin tuyên bố, và con tàu sau đó đã được hạ thủy một cách long trọng.
Là con tàu thứ 5 thuộc Dự án 22220 - một hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất và mạnh nhất thế giới của Nga – tàu Chukotka được đặt theo tên của Khu tự trị Chukotka. Con tàu phá băng này dài 173m, nặng 33.500 tấn và có thể cày qua lớp băng dày tới 3 mét. Mỗi tàu có 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-200 cho phép hệ thống đẩy của chúng sản xuất tới 60 MW điện. Nguồn điện hạt nhân này có vòng đời 40 năm, với nhu cầu tiếp nhiên liệu khoảng 7 năm một lần.
Tàu Chukotka dự kiến sẽ gia nhập cùng các tàu tiền nhiệm bao gồm Arktika, Sibir và Ural khi nó được đưa vào hoạt động cuối năm 2026. Trong khi đó, 2 tàu phá băng hạt nhân nữa của Nga là Yakutia và Leningrad hiện đang ở trong quá trình xây dựng. Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ 7 của Nga là Stalingrad sẽ bắt đầu được xây dựng vào năm 2025.
Phát biểu ngày 6/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Việc phát triển những con tàu hiện đại, mạnh mẽ như vậy là một hiện thân khác của tiềm năng công nghiệp, khoa học và công nghệ của Nga”. Ông cũng nhấn mạnh rằng toàn bộ nền kinh tế trong nước “nên phát triển dựa trên công nghệ riêng và các giải pháp khoa học đột phá”.
Đội tàu phá băng của Nga cũng mang tầm quan trọng chiến lược trong việc giúp quốc gia này thúc đẩy các hoạt động hàng hải dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) ở Bắc Cực. NSR là hành lang vận tải trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga trải dài toàn bộ chiều dài của vùng Bắc Cực và Viễn Đông của Nga.
Nga đã và đang tích cực phát triển tuyến đường này, trải dài khoảng 5.000 km giữa Biển Barents và Biển Chuckchi, như là một tuyến đường thương mại chính cho hàng hóa được vận chuyển giữa châu Âu và châu Á. Quốc gia này tuyên bố rằng vận chuyển hàng hóa qua NSR có thể giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển so với các tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez hoặc Panama lên tới 15 ngày.
Hiện lưu lượng hàng hóa qua tuyến đường này đang tăng trưởng đều đặn và dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục hơn 37 triệu tấn trong năm nay. Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng tới năm 2030, lưu lượng hàng hóa qua NSR sẽ vượt quá 100 triệu tấn.
Ngân Hà