Theo chia sẻ của các nguồn tin Mỹ và phương Tây với đài CNN vào ngày 16-12, động thái Nga rút quân khỏi Syria "có quy mô lớn và đáng kể". Các nguồn tin tiết lộ cuộc rút quân bắt đầu vào tuần trước nhưng không rõ có phải là mang tính lâu dài hay không.
Hai quan chức Mỹ cho biết Nga đã bắt đầu chuyển khí tài hải quân từ Syria đến Libya.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Moscow đã tăng sức ép lên chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya Khalifa Haftar để bảo đảm sự hiện diện của Nga tại một cảng ở Benghazi.
Nếu sự hiện diện đó không được đảm bảo, Nga sẽ không còn cảng biển Địa Trung Hải để triển khai sức mạnh ở sườn phía Nam của NATO.
Theo quan chức quốc phòng Mỹ, việc Nga "mất" cảng Tartus ở Syria, dù chỉ là tạm thời, cũng sẽ khiến Moscow gặp khó khăn hơn trong việc di chuyển vật liệu giữa Nga và châu Phi.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin tình báo Mỹ và phương Tây cho rằng quan chức Nga đã cố gắng xác định xem liệu Hayat Tahrir al Sham (nhóm quân nổi dậy chính đang kiểm soát Syria) có sẵn sàng đàm phán về tương lai của các căn cứ quân sự Nga tại Syria hay không.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 13-12 cho thấy máy bay quân sự của Nga tại căn cứ không quân Khmeimim, phía Tây Syria. Ảnh: Maxar Technologies
Khi được yêu cầu bình luận về tương lai của các căn cứ quân sự Nga tại Syria, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16-12 đáp rằng "hiện tại vẫn chưa có quyết định chắc chắn nào".
Ông Peskov nói thêm: "Nga vẫn duy trì liên lạc với đại diện của lực lượng nắm quyền ở Syria và mọi thứ sẽ được quyết định thông qua đối thoại".
Các căn cứ bao gồm căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở TP Latakia và một cơ sở cảng tại TP Tartus. Theo đài RT, vào năm 2017, Nga và Syria ký một thỏa thuận cho thuê căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim ở phía Đông Syria trong 49 năm.
Một số nguồn tin của hãng Reuters cho biết vào tuần trước, không quân Nga gia tăng các hoạt động ở Syria, với một máy bay vận tải được cho là rời khỏi tỉnh Latakia đến Libya. Tuy nhiên, một bài báo sau đó đưa tin Moscow không rời khỏi 2 căn cứ quân sự của nước này mà chỉ rút quân khỏi miền Bắc Syria.
Tuần trước, hãng thông tấn TASS đưa tin Nga đang đàm phán với nhóm lãnh đạo mới ở Damascus về các cách thức duy trì "sự hiện diện của nước này tại Syria cũng như tình trạng trước đây". Theo TASS, Moscow "đã đạt được các đảm bảo an ninh tạm thời, do đó các căn cứ quân sự vẫn hoạt động bình thường".
Các quan chức Nga trước đó cho biết mặc dù các căn cứ tại Syria đang trong tình trạng báo động cao, nhưng chúng không phải đối mặt với mối đe dọa ngay lập tức.
Trong một dấu hiệu cho thấy đối thoại đang diễn ra, ông Abu Mohammed al-Julani, người đứng đầu nhóm Hayat Tahrir al Sham, khẳng định chính Syria "muốn tránh khiêu khích Nga".
Huệ Bình