Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg, ngày 11/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Mặc dù mục tiêu về một lệnh ngừng bắn nhanh chóng vào dịp lễ Phục sinh (20/4) có vẻ khó đạt được, những động thái ngoại giao gần đây, đặc biệt là chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tới Nga, đang thắp lên hy vọng về một giải pháp hòa bình tiềm năng.
Theo thông báo từ Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky ngày 14/4, các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington về vấn đề Ukraine hiện chỉ diễn ra trên cơ sở song phương. Điều này cho thấy sự chủ động của hai cường quốc trong việc tìm kiếm tiếng nói chung, bỏ qua các khuôn khổ đa phương hiện tại. Tuy nhiên, ông Polyansky cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong thời gian ngắn, trái với những kỳ vọng ban đầu từ phía Nhà Trắng.
Các nhà phân tích cho rằng có nhiều yếu tố cản trở tiến trình này. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là sự cứng rắn trong lập trường của các bên liên quan. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những tính toán chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo chuyên gia Andrey Kortunov thuộc Câu lạc bộ thảo luận Valdai (Nga), ông Trump có xu hướng tìm kiếm các giải pháp "rõ ràng, thẳng thắn" và nhanh chóng, tập trung vào lệnh ngừng bắn mà chưa chú trọng đến các giải pháp chính trị mang tính căn cơ và lâu dài.
Tuy nhiên, chuyến thăm bất ngờ của đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tới Nga vào ngày 11/4 vừa qua được xem là một tín hiệu tích cực. Theo hãng thông tấn TASS, Washington coi đây là một bước tiến quan trọng hướng tới một lệnh ngừng bắn và giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận chuyến đi này, nhấn mạnh rằng ông Witkoff đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg. Bà Leavitt không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc trao đổi, nhưng khẳng định Tổng thống Trump quyết tâm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình.
Sự xuất hiện của ông Witkoff trong vai trò đặc phái viên thu hút sự chú ý bởi mối quan hệ thân thiết của ông với Tổng thống Trump. Tổng biên tập tạp chí "Russia in Global Politics", ông Fyodor Lukyanov, nhận định với báo Vedomosti (Nga) rằng việc một "người đáng tin cậy nhất của (Tổng thống) Trump" đến Moskva cho thấy các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, một điều đáng chú ý trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ từng rơi vào bế tắc.
Nhà nghiên cứu cấp cao Lev Sokolshchik tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Toàn diện thuộc Trường Kinh tế Cao cấp (HSE) có trụ sở tại Moskva cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Sokolshchik cho rằng đặc phái viên Mỹ Witkoff đang duy trì một lập trường xây dựng đối với Nga và cam kết thúc đẩy thỏa hiệp, thậm chí gây áp lực lên Ukraine để đạt được một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, chuyên gia Sokolshchik cũng lưu ý rằng ông Witkoff chỉ là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính quyền Trump và vẫn có những tiếng nói "diều hâu" khác trong chính quyền.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và ông Witkoff, lưu ý hai bên đã thảo luận về "nhiều khía cạnh khác nhau của giải pháp cho vấn đề Ukraine". Điện Kremlin hy vọng đây là cơ hội để truyền đạt "các yếu tố chính trong lập trường của Nga, cùng những mối quan tâm chính của Moskva" tới Mỹ.
Mặc dù con đường dẫn đến hòa bình vẫn còn nhiều chông gai, các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Mỹ, đặc biệt là chuyến thăm của ông Witkoff, cho thấy một nỗ lực nghiêm túc nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, để đạt được một giải pháp bền vững, không chỉ cần sự thiện chí của Moskva và Washington mà còn đòi hỏi sự hợp tác của các bên liên quan khác, bao gồm cả Ukraine và các nước châu Âu, cũng như việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực một cách toàn diện.
Vũ Thanh/Báo Tin tức