Bom ODAB-1500 được gắn vào giá treo máy bay Su-34. Ảnh: NetEase.
"Kết liễu chiến trường" bằng bom nhiệt áp
Vụ tấn công đã khiến hơn 100 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong nháy mắt và tạo nên một đám mây hình nấm khổng lồ - cảnh tượng thường chỉ thấy sau các vụ nổ bom hạt nhân.
Vụ tấn công được một máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Không quân Nga thực hiện, sử dụng loại bom ODAB-1500 được gắn bộ điều hướng lướt UMPK – một biến thể được ví như "JDAM phiên bản Nga". Sau khi được thả, quả bom mở cánh lướt, lao xuống mục tiêu ở góc nghiêng với tốc độ thấp, đánh trúng một tòa nhà lớn tại khu vực Livove, Kherson. Kết quả là toàn bộ công trình bị phá hủy nghiêm trọng, một phần bị san phẳng, số còn lại hư hỏng nặng nề.
Vụ nổ tạo thành cột khói cao tới 1km. Ảnh: NetEase.
Bom ODAB-1500, vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công là bom nhiệt áp – loại bom có sức công phá lớn nhờ nhiệt độ nổ cao và hiệu ứng sóng xung kích kéo dài hơn, đặc biệt hiệu quả khi tiêu diệt sinh lực đối phương trong không gian kín như boong-ke, công sự ngầm hoặc nhà cao tầng. Dù không gây ra nổ lớn bằng bom thông thường, nhưng khả năng sát thương đối với con người của bom nhiệt áp lại cao hơn nhiều lần.
Tuy nhiên, tốc độ nổ của bom nhiệt áp thường chậm hơn, vì vậy sức phá hoại đối với các công trình kiên cố không bằng các loại bom thông thường.
UMPK – công nghệ đơn giản nhưng hiệu quả lớn
Bộ điều hướng UMPK (Universal Planning and Correction modules) giúp quả bom bay theo quỹ đạo chính xác nhờ kết hợp giữa dẫn đường quán tính và tín hiệu vệ tinh GLONASS. Cấu tạo bộ UMPK gồm cánh lướt bung ra khi thả, hệ đo lường, pin nhiệt, mô-đun chống nhiễu và bộ điều khiển cánh lái, về cơ bản quả bom là một máy bay mini có khả năng tự điều khiển đường bay.
Sơ đồ mô tả vụ phóng bom gắn bộ điều hướng UMPK. Ảnh: NetEase.
Khi được thả từ độ cao 15.000 mét, bom có thể lướt tới 40–70 km, cho phép chiếc chiến đấu cơ Nga tránh xa khu vực phòng không của Ukraine. Mặc dù độ chính xác của hệ thống chỉ ở mức trung bình (sai số cuối tầm khoảng 15 mét), việc kết hợp bộ UMPK với bom cỡ lớn như ODAB-1500 giúp bù lại, bảo đảm hiệu quả tiêu diệt mục tiêu dù có bị lệch khỏi điểm rơi.
Một điểm đáng chú ý là bộ UMPK có thiết kế đơn giản, dễ lắp ráp ngay trên giá treo của máy bay. Nhân viên kỹ thuật mặt đất Nga chỉ cần mở hộp, vặn vài con ốc là có thể gắn bộ điều hướng này vào bom FAB-500 hoặc các loại bom tương thích khác.
Nga tăng cường ném bom dẫn đường thay cho tên lửa
Từ mùa xuân năm ngoái, Nga bắt đầu gia tăng việc sử dụng bom dẫn đường trên chiến trường Ukraine. Nếu như năm ngoái, không quân Nga mỗi ngày chỉ thả khoảng 30–40 quả bom UMPK, thì riêng trong tháng 5 năm nay, con số đã vọt lên 4.500 quả, tức trung bình 150 quả/ngày. Những đợt ném bom quy mô lớn như vậy đã khiến lực lượng Ukraine bị đẩy vào trạng thái căng thẳng cao độ, hoảng loạn và suy giảm tinh thần nghiêm trọng.
Quân đội Nga ngày càng sử dụng nhiều bom hàng không cỡ lớn thay cho tên lửa. Ảnh: NetEase.
Theo thống kê từ đầu cuộc xung đột đến nay, Nga đã phóng hàng chục nghìn tên lửa hành trình và đạn đạo – ước tính đã có thể vượt quá 10.000 quả nếu tính cả các hệ thống phòng không như S-300 được chuyển đổi sang nhiệm vụ tấn công mặt đất. Số lượng tên lửa Nga sử dụng trong chiến tranh Nga-Ukraine đã vượt tổng số tên lửa mà Mỹ sử dụng trong toàn bộ các cuộc chiến từ sau Chiến tranh Lạnh: Vùng Vịnh, Kosovo, Iraq, Afghanistan, Syria…
Dù số lượng sử dụng rất lớn, nhưng hiệu quả chiến thuật từ các đợt tấn công bằng tên lửa không tạo được bước ngoặt đáng kể trên chiến trường. Ngược lại, các quả bom lướt dẫn đường UMPK lại có hiệu quả thực chiến rõ rệt khi liên tục đẩy lùi tuyến phòng thủ tiền phương của Ukraine. Mỗi ngày hàng chục đến hơn trăm quả được thả xuống, khiến Ukraine chịu tổn thất lớn và rơi vào thế bị động.
Điều này cho thấy rõ vai trò ngày càng quan trọng của vũ khí dẫn đường chính xác, đặc biệt là những loại bom có giá thành thấp hơn tên lửa nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chiến đấu cao.
Máy bay Su-34 mang bom hàng không có gắn bộ điều hướng UMPK. Ảnh: BQP Nga.
Quân đội Nga đang thay đổi cách tiếp cận chiến trường bằng việc gia tăng số lượng bom dẫn đường giá rẻ nhưng có khả năng gây thiệt hại lớn. Thay vì đầu tư quá nhiều vào tên lửa đắt đỏ, quân đội Nga đang chứng minh rằng vũ khí thông minh cỡ lớn có thể là chìa khóa cho các bước tiến tiếp theo trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Các loại vũ khí nhiệt áp của Nga
Hiện tại, Nga sở hữu một loạt các loại vũ khí nhiệt áp (Thermobaric weapons) – còn gọi là bom chân không – với nhiều quy mô, từ loại xách tay sử dụng trong tác chiến đô thị đến loại bom dẫn đường nặng hàng tấn. Dưới đây là các nhóm và loại vũ khí nhiệt áp chính của Nga:
1. Ống phóng tên lửa nhiệt áp cỡ nhỏ RPO-A "Shmel”, còn được gọi là “súng phun lửa phản lực”. Cỡ đạn: 93 mm, tầm bắn: ~600 m (hiệu quả), tối đa 1.000 m. Ứng dụng: tấn công trong đô thị, công sự ngầm, hầm hào. Ngoài ra còn có phiên bản nâng cấp là RPO-M "Shmel-M" với tầm bắn xa hơn và hiệu quả cao hơn.
2. Bom hàng không nhiệt áp ODAB: Là các loại bom hàng không nhiệt áp không điều khiển hoặc được nâng cấp thêm bộ điều hướng lướt (UMPK). Các biến thể chính, gồm: ODAB-500: nặng 500 kg, ODAB-1000: nặng 1.000 kg, ODAB-1500: nặng 1.500 kg – hiện đang được sử dụng rộng rãi tại Ukraine, có thể tích hợp module UMPK dẫn đường.
3. Tên lửa nhiệt áp: TOS-1 “Buratino” / TOS-1A “Solntsepyok”. Đây là các hệ thống pháo phản lực nhiệt áp nhiều nòng hạng nặng, bắn loạt rocket sử dụng đầu đạn nhiệt áp cỡ 220 mm, tầm bắn: 6–10 km.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thị sát nhà máy sản xuất bom. Ảnh: BQP Nga.
Hệ thống phóng nhiều nòng được gắn trên khung gầm xe tăng T-72, được thiết kế để tiêu diệt sinh lực đối phương trong công sự, boong-ke, đô thị, chiến hào...
Ngoài ra, Nga còn sở hữu "Cha đẻ của mọi loại bom" – FOAB (Father Of All Bombs), được Nga tuyên bố là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới. FOAB có công suất nổ tương đương 44 tấn TNT. Bom nặng 7 tấn, chứa hỗn hợp nhiên liệu nhôm – oxide ethylene cực mạnh, phát nổ ở độ cao nhất định để tạo sóng xung kích hủy diệt.
FOAB có sức công phá lớn hơn bom MOAB ‘Mẹ các loại bom” (Mother Of All Bombs) của Mỹ. Tuy nhiên, FOAB chưa được xác nhận sử dụng thực chiến, chủ yếu mang tính răn đe và phô diễn chiến lược.
Thu Thủy