Nga ngạc nhiên song lạc quan thận trọng trước thái độ của ông Trump

Nga ngạc nhiên song lạc quan thận trọng trước thái độ của ông Trump
19 giờ trướcBài gốc
Sau gần 3 năm nỗ lực cô lập Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt, trong những ngày gần đây Mỹ đã có sự thay đổi chính sách đáng kể đối với Nga. Các quan chức Nga đã hoan nghênh sự thay đổi này nhưng ngay cả họ cũng có vẻ bất ngờ trước tốc độ của sự chuyển biến này, theo tờ The Wall Street Journal.
Mỹ ngả về Nga, lạnh nhạt với Ukraine?
Hôm 18-2, các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) để thảo luận về cách chấm dứt cuộc chiến Nga và Ukraine cũng như thiết lập lại mối quan hệ giữa Washington với Moscow. Diễn biến này đến chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin điện đàm.
Sau hội đàm ở Saudi Arabia, Tổng thống Trump cho biết ông có thể sẽ gặp ông Putin sớm nhất là vào cuối tháng 2. Ông Putin xác nhận cuộc họp này có thể diễn ra nhưng cho rằng cần có thời gian để quan chức hai bên chuẩn bị trước bởi đây là vấn đề vô cùng quan trọng đối với hai nước.
Các đại diện của Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) hôm 18-2 để bàn về cách chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: ZUMA PRESS
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lạc quan một cách thận trọng rằng: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước, bước đi lớn đầu tiên đã được thực hiện…Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận từ những gì đã xảy ra. Hiện có động lực rất tốt và cách tiếp cận mang tính xây dựng”.
Khi Mỹ và Nga có những bước đầu tiên hướng tới việc khôi phục quan hệ, Tổng thống Trump bắt đầu chỉ trích gay gắt người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội nói ông Zelensky là “nhà độc tài”, là tổng thống không qua bầu cử, cáo buộc ông Zelensky phát động chiến tranh và lừa Mỹ chi 350 tỉ USD cho cuộc chiến không thể giành chiến thắng.
Còn ông Zelensky khẳng định đó là những thông tin sai lệch và cho rằng Tổng thống Trump đang bị lạc giữa bong bóng tin giả của Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine còn cho rằng Tổng thống Trump đã giúp Nga “thoát khỏi nhiều năm bị cô lập”.
Cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã tỏ thái độ bất mãn với Mỹ vì đã gạt Ukraine khỏi bàn đàm phán ở Saudi Arabia, đồng thời khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev sẽ không thành công.
Dẫn lời Tổng thống Trump gọi Tổng thống Zelensky là một “nhà độc tài”, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết ông đã rất ngạc nhiên khi thấy lãnh đạo Mỹ có những lời lẽ với đồng minh của mình như vậy.
"Chỉ 3 tháng trước đây, nếu bạn nói với tôi rằng đây là lời của tổng thống Mỹ, tôi sẽ cười lớn" - ông Medvedev đăng trên mạng xã hội.
Trước đó, quan chức và lãnh đạo Mỹ cũng đã khẳng định việc Ukraine muốn gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khôi phục lại biên giới Ukraine trước năm 2014, bao gồm lấy lại bán đảo Crimea, là điều không thực tế.
Đằng sau việc Tổng thống Trump ngả về Nga
Trong khi đó, báo đài, truyền thông Nga đã đăng tải nhiều bài viết có ý cho rằng sự rạn nứt đó báo hiệu sự cắt đứt hỗ trợ của Mỹ giành cho Ukraine.
Ông Vladimir Solovyov, người dẫn chương trình truyền hình có quan điểm thân Nga, đã viết trên kênh Telegram rằng sự liên hệ giữa Nga và Mỹ có nghĩa là Ukraine đã thua và “trò chơi đã kết thúc”, đã “đến lúc trả hết nợ hoặc tự bắn mình”.
Tổng thống Trump có những phát ngôn cứng rắn đối với Ukraine thời gian gần đây. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov cho rằng Moscow hy vọng có thể thuyết phục ông Trump rằng ông sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu ông gây sức ép với Ukraine và ủng hộ lập trường của Nga, đồng thời mong lấy lòng ông Trump bằng cách cung cấp cho phía Mỹ mọi thứ cần thiết để quay lưng với Ukraine.
Những thứ đó có thể bao gồm sự ủng hộ của Nga đối với chính sách của Mỹ liên quan đến Trung Đông, Trung Quốc và Iran, cũng như việc mở các dự án dầu mỏ ở Bắc Cực của Nga cho các công ty Mỹ tham gia khai thác, theo ông Gallyamov.
Một hy vọng lớn khác của Moscow là sự tan băng trong quan hệ với Mỹ sẽ dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nga đã phải đối mặt một loạt lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm việc đóng băng hàng trăm tỉ USD dự trữ ngoại hối, hạn chế đối với các ngân hàng như chặn quyền truy cập hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, vốn là mặt hàng chủ lực của kinh tế nước này. Mặc dù Nga đã có thể thích nghi và tránh được một số hạn chế đó nhưng các biện pháp này đã cản trở triển vọng tăng trưởng dài hạn của nước này.
Sau cuộc hội đàm Nga-Mỹ ở thủ đô Riyadh hôm 18-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói rằng lệnh trừng phạt là kết quả của cuộc chiến và "để chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào, tất cả các bên phải nhượng bộ". Điều này đã mang lại cho các quan chức Nga hy vọng rằng lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết "mối quan tâm lớn đã được thể hiện trong việc xóa bỏ các rào cản nhân tạo đối với sự phát triển của hợp tác kinh tế cùng có lợi" giữa Nga và Mỹ.
"Sau cuộc hội đàm Nga-Mỹ tại Riyadh, lệnh trừng phạt có thể không được dỡ bỏ ngay lập tức, nhưng tinh thần của chúng sẽ phai nhạt dần" - ông Boris Titov, một trợ lý cấp cao của Điện Kremlin phát biểu hôm 19-2.
ĐỨC HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/nga-ngac-nhien-song-lac-quan-than-trong-truoc-thai-do-cua-ong-trump-post835476.html