Tên lửa phòng không Tor-M1 của Nga.
Phát biểu trên kênh truyền hình Hy Lạp Militaire.gr vào ngày 31/12/2024, Đại sứ Nga tại Hy Lạp Andrei Maslov nhắc lại cảnh báo về việc chuyển giao các hệ thống phòng không do Nga sản xuất, bao gồm hệ thống đất đối không S-300PMU1, cũng như các hệ thống Tor-M1 và Osa-AK tầm ngắn, là vi phạm các thỏa thuận quốc tế ràng buộc giữa hai quốc gia.
Đại sứ Maslov nhấn mạnh, theo hiệp ước hợp tác quân sự-kỹ thuật năm 1995 và hiệp định cung cấp sản phẩm quân sự năm 2013, việc chuyển giao các loại vũ khí này là nghiêm cấm nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của phía Nga. Nhà ngoại giao này cũng làm rõ rằng, hạn chế này không phải là lập trường chính trị mà là nghĩa vụ pháp lý quốc tế mà Hy Lạp phải tuân thủ.
Ông Maslov lưu ý rằng cả hai tài liệu đều quy định rằng Hy Lạp không được chuyển giao các hệ thống vũ khí của Nga cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận trước của Liên bang Nga.
Đây là câu trả lời của Đại sứ Maslov khi được hỏi về việc Hy Lạp có thể đang cân nhắc việc chuyển giao như vậy. Ông Maslov cho biết thêm, mặc dù có tin đồn lan truyền trên các phương tiện truyền thông Hy Lạp, nhưng Nga sẽ không thực hiện bất kỳ biện pháp ngoại giao chính thức nào vào thời điểm này, vì Athens chưa chính thức xác nhận bất kỳ kế hoạch nào về việc gửi các hệ thống phòng không tới Ukraine.
Hy Lạp từ lâu đã dựa vào thiết bị quân sự của Nga để tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Vào tháng 4/2023, người phát ngôn Nội các Hy Lạp Pavlos Marinakis khẳng định rằng nước này không có ý định gửi các hệ thống phòng không, bao gồm cả tên lửa Patriot, tới Ukraine, với lý do Athens cần chúng để bảo vệ không phận của mình.
Kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, Hy Lạp đã vào thế khó khi vừa hỗ trợ quân sự cho Kiev, điều hướng các liên minh quốc tế và các nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận song phương với Nga.
Chỉ ba ngày sau khi xung đột nổ ra, Hy Lạp đã thể hiện rõ lập trường của mình bằng cách gửi cho Ukraine 2 máy bay vận tải C-130 chở đầy súng trường, đạn dược và lựu đạn. Các báo cáo tiết lộ rằng trong số các nguồn cung cấp này có 20.000 khẩu súng trường Kalashnikov mà Hy Lạp đã tịch thu vào năm 2013 từ một chuyến hàng đến Libya, khi đó Nga đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Moscow. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên án quyết định viện trợ vũ khí cho Ukraine của Hy Lạp là "sai lầm nghiêm trọng" và việc này có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng người Hy Lạp khoảng 150.000 người ở Ukraine, tập trung tại các thành phố như Mariupol và Odesa.
Hy Lạp đã chính thức cung cấp cho Ukraine một loạt viện trợ quân sự, bao gồm đạn pháo 155mm, tên lửa Stinger và 40 xe bọc thép chở quân BMP-1 thời Liên Xô. Gần đây, Athens đã đồng ý cung cấp 24 tên lửa Sea Sparrow để hỗ trợ Kiev.
Tuy nhiên, mối quan tâm của Ukraine đối với hệ thống phòng không S-300PMU1 của Hy Lạp là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Được giới thiệu lần đầu vào những năm 1990, hệ thống do Nga sản xuất này được coi là rất quan trọng đối với mạng lưới phòng không của Ukraine.
Các quốc gia phương Tây và Kiev không ngừng hối thúc Hy Lạp chuyển giao S-300. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề nghị tài trợ quân sự 200 triệu USD để thúc đẩy quyết định của Hy Lạp.
Tuy nhiên, việc chuyển giao vẫn bị đình trệ. Lý do chính là Hy Lạp không nhận được cam kết cung cấp các hệ thống tương đương từ các đồng minh, chẳng hạn như hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, nhu cầu của Ukraine đối với các hệ thống S-300 cũ đã giảm đi sau khi vũ khí phương Tây hiện đại hơn xuất hiện.
Vào tháng 11/2024, cũng có thông tin cho rằng Hy Lạp có thể chuyển giao các hệ thống S-300 cho Armenia. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã làm rõ rằng không nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào về việc này.
(theo Eurasian Times)
Thế Anh