Phát biểu trước báo giới, thứ trưởng Ngoại giao Nga nêu rõ: “Giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine, như chúng ta hình dung, không thể đạt được bằng cách nào khác ngoài việc thực hiện đầy đủ những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khi ông phát biểu với Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 14/ 6 năm ngoái. Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác cần hiểu được điều này càng sớm thì càng tốt. Như vậy, giải pháp chính trị mong muốn này sẽ càng gần hơn với tất cả mọi người”.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra các điều khoản để chấm dứt chiến tranh ngay lập tức, trong đó bao gồm việc Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút quân khỏi toàn bộ bốn khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền và kiểm soát phần lớn.
Xe tăng T80 của Nga tại chiến trường Ukraine (Ảnh: Reuters)
Cùng ngày Nga cũng cảnh báo, triển vọng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới không mấy khả quan và tình hình dường như đang bế tắc. Đây là trụ cột kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2026.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nga, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, người giám sát quan hệ và kiểm soát vũ khí giữa Nga với Mỹ, cho biết, phía Mỹ đang muốn có các cuộc đàm phán vũ khí ba bên, bao gồm cả Trung Quốc, trong khi phía Nga lại muốn các cuộc đàm phán vũ khí phải bao gồm năm bên. Theo đó, Nga muốn cả Anh và Pháp- cũng là các cường quốc hạt nhân – phải được tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Việc các bên không thống nhất nguyên tắc đàm phán khiến cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực ổn định chiến lược hạt nhân và tình hình hậu Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) có vẻ không mấy khả quan.
Thứ trưởng Nga cũng nhấn mạnh, không có gì ngăn cản Nga đàm phán gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Mỹ và Nga đã sẵn sàng làm điều đó. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc liệu Nga có thấy sự thay đổi thực sự trong chính sách của Mỹ đối với Nga hay không.
Trong những năm trở lại đây, thế giới chứng kiến sự đổ vỡ của một số hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019 trong khi Nga cũng đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vào năm 2023.
Cho tới nay, cả Nga và Mỹ đều đổ lỗi lẫn nhau là nguyên nhân chính khiến các hiệp ước này đổ vỡ.
Hồng Nhung/VOV1 Theo Reuters