Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Đức Thanh
Phân kỳ theo 2 giai đoạn
Hơn một tháng kể từ khi nhận được chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, giữa tuần trước, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có Văn bản số 1999/BC-VEC-HĐTV báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng phương án đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Cần phải nói thêm, tại Thông báo số 266/TB-VPCP ngày 27/5/2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo VEC khẩn trương chủ động đề xuất phương án (VEC chủ trì toàn bộ hoặc VEC hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước, đề xuất cơ chế, chính sách kèm theo) đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gửi Bộ Xây dựng trong ngày 2/6/2025; Bộ Xây dựng tổ chức đánh giá và so sánh các phương án để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hiệu quả tối ưu.
Tại Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 26/6/2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục giao Bộ Tài chính chỉ đạo VEC nghiên cứu 2 phương án đầu tư như kiến nghị của Bộ Xây dựng, làm rõ năng lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng huy động vốn, gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp trước ngày 27/6/2025.
Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án đầu tư mở rộng 15 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án Đầu tư một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Dự án Đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Với phương án 1, Bộ Xây dựng gộp các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thành một dự án để đầu tư (gồm 15 tuyến cao tốc), với tổng chiều dài khoảng 966 km và tổng mức đầu tư khoảng 128.292 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Với phương án 2, Bộ Xây dựng đề xuất tách thành 2 dự án (mỗi khu vực một dự án). Trong đó, Dự án 1 bao gồm 8 dự án thành phần từ Mai Sơn đến Cam Lộ, với tổng chiều dài khoảng 415 km, tổng mức đầu tư khoảng 54.182 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng); Dự án 2 bao gồm 7 dự án thành phần từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây, với tổng chiều dài khoảng 551 km, tổng mức đầu tư 74.110 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Tại Văn bản số 1999/BC-VEC-HĐTV, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, VEC đã khẩn trương làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số doanh nghiệp đang thi công trên tuyến đường, đã chứng minh được uy tín, chất lượng và hiệu quả để nghiên cứu hợp tác đầu tư đối với 2 phương án do Bộ Xây dựng đề xuất.
Nguyên tắc mở rộng 15 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được VEC đặt ra là phải tránh tình trạng công trình vừa hoàn thành đã phải phá dỡ để mở rộng, gây lãng phí và tạo dư luận không tốt trong khi nguồn lực còn hạn hẹp; một số tuyến kết nối với cao tốc và các trung tâm kinh tế lớn đang cần được ưu tiên đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước để có thể tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án quan trọng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm hạn chế của 2 phương án, VEC đề xuất thực hiện đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương án 2.
Tuy nhiên, để phù hợp với năng lực, kinh nghiệm, vốn chủ sở hữu tham gia thực hiện và khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện mở rộng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đảm bảo triển khai dự án đồng bộ, liên lục; tạo thuận lợi cho công tác thi công, phù hợp với nhu cầu vận tải, tránh xung đột về pháp lý với các nhà thầu đang thực hiện công tác bảo hành các tuyến cao tốc, VEC kiến nghị phân kỳ đầu tư phương án 2 theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn I được triển khai đầu tư mở rộng từ năm 2026, tương ứng thời điểm kết thúc thời gian bảo hành của các nhà thầu thi công giai đoạn trước (khoảng tháng 6/2026), gồm 3 dự án thành phần khu vực phía Bắc là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, với tổng chiều dài khoảng 156 km và tổng mức đầu tư khoảng 19.523 tỷ đồng (thuộc Dự án 1); 2 dự án thành phần khu vực phía Nam là Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, với tổng chiều dài khoảng 200 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.843 tỷ đồng (thuộc Dự án 2).
Trong giai đoạn II, VEC đề xuất triển khai đầu tư mở rộng sau khi kết thúc thời gian bảo hành của các nhà thầu thi công giai đoạn trước (sau năm 2028) và khi lưu lượng các đoạn tuyến cao tốc mãn tải với quy mô 4 làn xe đối với 10 dự án thành phần cao tốc còn lại, với tổng chiều dài 610 km, tổng mức đầu tư 90.926 tỷ đồng.
Định rõ vai trò
Tại Văn bản số 1999/BC-VEC-HĐTV, VEC kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét báo cáo chủ trì hợp tác với SCIC và một số nhà đầu tư khác để nghiên cứu mở rộng Dự án 1 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với tổng mức đầu tư khoảng 61.738 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng là 7.556 tỷ đồng) và thực hiện phân kỳ đầu tư.
Theo đó, trong giai đoạn I (triển khai đầu tư giai đoạn 2026 - 2028), VEC sẽ phối hợp thực hiện đầu tư mở rộng 3 tuyến cao tốc từ Mai Sơn đến Diễn Châu thuộc Dự án 1 với chiều dài 156 km, tổng mức đầu tư khoảng 22.243 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 12 năm.
Trong giai đoạn II, VEC thực hiện đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc từ Bãi Vọt đến Cam Lộ thuộc Dự án 1 (gồm 5 tuyến cao tốc) là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, với tổng chiều dài khoảng 259 km, tổng mức đầu tư 39.495 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 18 năm.
Đối với Dự án 2, VEC đề xuất Chính phủ giao cho các nhà đầu tư khác có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện đầu tư nhằm phân bổ nguồn lực cho hợp lý, tránh đầu tư dàn trải.
Trường hợp được giao nghiên cứu và đầu tư mở rộng Dự án 1 nêu trên, VEC kiến nghị Chính phủ cho phép VEC giữ lại phần lợi nhuận còn lại giai đoạn 2025 - 2030 (khoảng 4.769 tỷ đồng) để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu tham gia thực hiện đầu tư mở rộng Dự án 1.
Bên cạnh đó, ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao đầu tư mở rộng các dự án (lựa chọn được nhà đầu tư), VEC kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp dự án thu phí ngay trên các tuyến cao tốc đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn trước, với mức phí tương đương mức phí các doanh nghiệp dự án PPP đang tổ chức thu trên các tuyến cao tốc khác, nhằm giảm thiểu phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án.
Được biết, phương án đề xuất trên đang được một số nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư từng nộp đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam với vai trò là nhà đầu tư độc lập, đánh giá là phù hợp, có tính khả thi và sẵn sàng hợp tác với VEC triển khai Dự án 1 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Trương Việt Đông cho biết, với kinh nghiệm là nhà đầu tư 7 dự án đường cao tốc, trong đó có 4 dự án đã được đưa vào khai thác, thu phí, VEC có đủ năng lực trong việc quản lý đầu tư, vận hành khai thác khi được Thủ tướng giao đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.
Bên cạnh đó, với vốn điều lệ khoảng 39.366 tỷ đồng, theo quy định hiện nay, VEC được phép huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh không quá 3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, tương ứng số vốn có thể huy động lên tới 118.098 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ nói trên giúp VEC đáp ứng được năng lực về việc huy động vốn để tham gia thực hiện mở rộng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Cần phải nói thêm, đối với Dự án 2, Bộ Xây dựng đã nhận được một số đề xuất của một số nhà đầu tư lớn trong nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn Sơn Hải đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây (Đồng Nai) có chiều dài 679 km hiện có, quy mô 4 làn xe lên 6 làn xe theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).
“Chúng tôi cam kết tự thu xếp toàn bộ nguồn vốn (gồm vốn chủ sở hữu và huy động hợp pháp), không sử dụng vốn ngân sách; thời gian thi công không quá 24 tháng và bảo hành công trình trong 10 năm”, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết.
Tình hình thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Dự án đầu tư một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần (8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư PPP) với tổng chiều dài 654 km. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác với quy mô từ 2 - 4 làn xe và giải phóng mặt bằng từ 4 - 6 làn xe. Riêng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đang được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe hoàn chỉnh (dự kiến hoàn thành năm 2026) và đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh (dự kiến hoàn thành năm 2026).
Dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 12 dự án thành phần (đầu tư công) với tổng chiều dài 721 km, quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng 4 - 6 làn xe. Các dự án thành phần này đã và đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025 (có 4 dự án) và năm 2026 (8 dự án).
Các dự án do nhà đầu tư BOT đầu tư (tổng chiều dài 234 km) gồm đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đang triển khai thi công 4 làn xe (dự kiến hoàn thành năm 2026); đoạn Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang đang khai thác 4 làn xe; đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn đang khai thác 4 làn xe; đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ đang khai thác 6 làn xe; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang khai thác 4 làn xe, đã quyết định chủ trương đầu tư mở rộng lên 6 làn xe.
Các tuyến cao tốc do VEC đã và đang thực hiện đầu tư (tổng chiều dài 295 km), quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành.
Anh Minh