Màn hình máy tính hiển thị con số cuối cùng, khép lại 12 năm đèn sách miệt mài. Kể từ ngày 16 tháng 7, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, hàng triệu sĩ tử và gia đình trên cả nước đã trải qua những cung bậc cảm xúc trái ngược: vỡ òa trong hạnh phúc, lặng đi vì tiếc nuối, và phổ biến nhất là một nỗi lo âu mơ hồ về ngã rẽ phía trước. "Cơn bão điểm" tạm lắng, nhường chỗ cho một cuộc đua mới thậm chí còn cam go hơn: giai đoạn đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng. Giữa ma trận ngành học và trường đại học, áp lực về việc điểm số sẽ vạch ra tương lai đang đè nặng lên vai các sĩ tử và gia đình hơn bao giờ hết.
Trong một xã hội vẫn còn nặng tâm lý "chuộng bằng cấp", áp lực từ điểm số là một gánh nặng hữu hình. Nó không chỉ là kết quả của một kỳ thi, mà còn được mặc định là thước đo cho danh dự gia đình, là tấm vé thông hành đến một tương lai được cho là "bảo đảm". Thế nhưng, giữa dòng chảy không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự biến đổi chóng mặt của thị trường lao động, một sự thật ngày càng được khẳng định: Điểm số cao không còn là yếu tố độc tôn quyết định thành công.
Điểm số chỉ là một lát cắt, không phải toàn bộ bức tranh
"Cơn bão điểm số" đi qua, để lại những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn. Phụ huynh so sánh điểm của con mình với "con nhà người ta", sĩ tử lo lắng liệu có "trượt" khỏi nguyện vọng 1 mơ ước. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia giáo dục và nhà tuyển dụng, những con số này chỉ mang tính thời điểm.
Trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, đại diện từ một số trường đại học hàng đầu đều có chung một quan điểm: điểm số là một chỉ dấu quan trọng, phản ánh nỗ lực và khả năng tiếp thu kiến thức phổ thông của học sinh tại một thời điểm nhất định. Nó mang lại lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua vào các ngành "hot", các trường top đầu. Dù vậy, nó không phải và không thể là bức chân dung toàn diện về tiềm năng của một con người.
PGS.TS Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đưa ra lời khuyên chân thành: "Các sĩ tử cần hết sức bình tĩnh. Đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách sâu sắc và trung thực. Điểm số có thể chưa như kỳ vọng, nhưng đó không phải là dấu chấm hết. Hãy nghiên cứu kỹ thế mạnh của bản thân trên cơ sở phù hợp để lựa chọn ngành nghề phù hợp".
PGS.TS Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Thực tế đã chứng minh, hành trình vươn tới thành công trong sự nghiệp là một cuộc đua marathon, không phải chạy nước rút. Người chiến thắng không chỉ dựa vào xuất phát điểm (điểm thi), mà còn phụ thuộc vào sức bền, chiến lược và khả năng thích ứng trên suốt chặng đường. Đó chính là thái độ học tập suốt đời, kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và trí tuệ cảm xúc. Một sinh viên có điểm đầu vào không quá cao nhưng sở hữu tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, và kỹ năng giao tiếp tốt hoàn toàn có thể vượt xa một người bạn điểm cao nhưng ngủ quên trên chiến thắng.
Ông lấy ví dụ về ngành Marketing – một trong những ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt. Các trường đại học không chỉ tìm kiếm những thí sinh có điểm số ấn tượng. Họ tìm kiếm những cá tính sáng tạo, những người có khả năng phân tích tâm lý đám đông, nhạy bén với xu hướng, sở hữu kỹ năng ngôn ngữ linh hoạt để kể những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn. Một bài luận xuất sắc, một portfolio các dự án cá nhân ấn tượng, kinh nghiệm tham gia các câu lạc bộ truyền thông có thể trở thành điểm cộng sáng giá, đôi khi còn giá trị hơn vài điểm số trên giấy. Điều này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong tư duy tuyển sinh: từ việc chỉ tập trung vào "đầu vào" sang việc tìm kiếm những nhân tố thực sự "phù hợp" với triết lý đào tạo và yêu cầu của ngành nghề.
Bài toán giữa đam mê, năng lực và cơ hội
Bước vào giai đoạn đăng ký nguyện vọng, các sĩ tử như đứng trước một "ma trận" với hàng trăm ngành học, hàng ngàn lựa chọn khác nhau. Quyết định lúc này cần được đặt trên một kiềng ba chân vững chắc: ĐAM MÊ - NĂNG LỰC - NHU CẦU XÃ HỘI.
Đam mê là ngọn lửa, là động lực nội tại giúp các em vượt qua những năm tháng học tập đầy thử thách và gắn bó lâu dài với nghề. Không có đam mê, việc học sẽ trở thành nghĩa vụ, và công việc tương lai sẽ là gánh nặng.
Năng lực là sự tự đánh giá trung thực về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, kết hợp với kết quả thi cử. Chọn một ngành học quá sức sẽ dẫn đến đuối sức, chán nản.
Nhu cầu xã hội (cơ hội việc làm) là yếu tố thực tế, đảm bảo "đầu ra" cho quá trình học tập. Theo đuổi một ngành học mà xã hội không cần có thể dẫn đến rủi ro thất nghiệp.
Thực tế tuyển sinh nhiều năm cho thấy những câu chuyện đáng tiếc. Có những em đạt 27-28 điểm nhưng vẫn "trượt" hết các nguyện vọng vì đặt cược tất cả vào những ngành có điểm chuẩn chạm ngưỡng tuyệt đối. Có những em lại chọn ngành theo trào lưu, theo lời khuyên của bạn bè, gia đình mà bỏ qua tiếng nói từ bên trong, để rồi nhận ra mình không thuộc về nơi đó chỉ sau một học kỳ.
Để tránh những sai lầm này, Thạc sĩ Huỳnh Vũ Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh – Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu thông tin: "Đây là thời điểm vàng để các bạn nghiên cứu thật kỹ về chương trình đào tạo của ngành học, về môi trường, văn hóa và triết lý giáo dục của ngôi trường mà các bạn muốn theo học. Khi có đủ thông tin, các bạn sẽ có những lựa chọn sáng suốt và tự tin hơn khi đặt bút đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ".
Thạc sĩ Huỳnh Vũ Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh – Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Lời khuyên này đặc biệt hữu ích. Thay vì chỉ nhìn vào tên ngành và điểm chuẩn năm trước, các em nên chủ động tìm hiểu sâu hơn: Ngành đó học những môn gì? Cơ hội thực tập ra sao? Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu? Hãy tích cực tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh, trò chuyện trực tiếp với các thầy cô, các anh chị cựu sinh viên để có được cái nhìn chân thực nhất.
Một trong những sai lầm tâm lý phổ biến là chọn trường, chọn ngành theo "phương án an toàn" – tức là chọn nơi chắc chắn đỗ dựa trên điểm số. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể tước đi cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của bản thân.
PGS.TS. Phạm Thị Mai Hương, Trưởng khoa Công nghệ Hóa – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đưa ra góc nhìn: "Không nên chọn trường theo phương án an toàn, tức là chọn những trường mà bản thân có thể đỗ mà hãy phải đặt ưu tiên là những trường mà thực sự là phù hợp với cả năng lực, sở thích của mình".
PGS.TS. Phạm Thị Mai Hương, Trưởng khoa Công nghệ Hóa – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Mỗi ngành nghề, mỗi ngôi trường đều là một cánh cửa mở ra một thế giới khác nhau. Một lựa chọn phù hợp không chỉ giúp các em vượt qua vòng xét tuyển, mà còn đặt viên gạch đầu tiên vững chắc cho toàn bộ sự nghiệp. Đó là sự khởi đầu bằng sự thấu hiểu bản thân và được nuôi dưỡng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ.
Hơn thế nữa, cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất. Trong bối cảnh hiện nay, các trường cao đẳng, trường dạy nghề chất lượng cao đang trở thành một lựa chọn thông minh. Với chương trình đào tạo tập trung vào thực hành (70% thời lượng), sinh viên ra trường có tay nghề vững, đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chí có thu nhập tốt và cơ hội phát triển không thua kém cử nhân đại học. Xa hơn nữa, "gap year" để trải nghiệm, học thêm ngoại ngữ, kỹ năng hoặc thậm chí khởi nghiệp cũng là một hướng đi dũng cảm và đáng trân trọng cho những bạn trẻ cần thêm thời gian để khám phá bản thân.
Ảnh: Thu Hà