Tập đoàn nhà nước Nga về thám hiểm không gian Roscosmos cho biết vào 1 năm rưỡi tới 2 năm tới tập đoàn này có thể thử nghiệm tên lửa đẩy có thể tái sử dụng, tương tự loại mà tập đoàn SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk đang áp dụng, theo hãng tin RBC.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình của RBC sáng 28-7, Tổng Giám đốc Roscosmos - ông Dmitry Bakanov cho biết dự án cấp quốc gia về không gian do tập đoàn này xây dựng đã được Hội đồng về Phát triển Chiến lược và dự án quốc gia trực thuộc Tổng thống Nga phê duyệt hồi tháng 6.
Theo đó, Bộ Tài chính Nga đã phê duyệt ngân sách 4.400 tỉ rup (hơn 55,5 tỉ USD) cho dự án cấp quốc gia này trong giai đoạn từ nay đến năm 2036.
Một trong những nội dung quan trọng trong siêu dự án này là phát triển tên lửa đẩy Amur-LNG sử dụng nhiên liệu khí metan hóa lỏng (LNG) với tầng dưới chứa động cơ chính (được gọi là tầng booster) có thể được thu hồi và tái sử dụng.
Tổng Giám đốc Roscosmos - ông Dmitry Bakanov. Ảnh: RIA NOVOSTI
Ông Bakanov nói rằng Roscosmos đã sẵn sàng và “có thể thử nghiệm ngay ngày mai”, nhưng để “mô hình hóa và phát triển tất cả các chi tiết, cần từ 1 năm rưỡi tới 2 năm”.
Ông Bakanov lưu ý rằng với các thành tựu của SpaceX, “ông Musk đã chứng mình rằng tầng đầu tiên [của tên lửa đẩy] vốn trước đây hoàn thành nhiệm vụ, bị bắn hạ, rơi xuống và trở thành sắt vụn thì nay đã được sử dụng nhiều lần và nhờ đó, chi phí được giảm đáng kể, tiết kiệm được rất nhiều”.
Do đó, nhiệm vụ trước mắt, cũng là ưu tiên hàng đầu của Roscosmos, là chế tạo tầng booster của tên lửa đẩy có thể quay trở lại Trái Đất và được tái sử dụng 5-7 lần, giúp giảm đáng kể chi phí phóng tàu vũ trụ tại Nga - ông Bakanov nhấn mạnh.
Hồi tháng 4-2024, một tầng booster trong tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX đã được tái sử dụng ít nhất 20 lần.
Ông Bakanov thừa nhận rằng tỉ phú Elon Musk đã “làm rất nhiều cho sự phát triển của ngành du hành vũ trụ toàn cầu” và SpaceX đang “nắm giữ phần lớn thị phần trong một số thị trường dịch vụ không gian”.
Do đó, ông Bakanov đã trực tiếp thảo luận với ông Musk về khả năng hợp tác chung trong vùng không gian xa hơn và sẵn sàng tiếp tục đối thoại “để cùng nhau thực hiện các chương trình” như vậy.
Hiện nay, Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Nga (MIPT) đang thử nghiệm để thu hồi và tái sử dụng tầng booster của tên lửa siêu nhẹ Krylo-SV phục vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầng thấp.
Động thái phê duyệt và triển khai dự án phát triển tên lửa đẩy Amur-LNG có thể tái sử dụng đánh dấu việc chính phủ Nga chính thức gia nhập đường đua phát triển và thương mại hóa công nghệ thám hiểm không gian tiên tiến này.
Bên cạnh công nghệ đã được SpaceX áp dụng thành công và dự án Amur-LNG của Nga, một số quốc gia khác như Trung Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật và Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm tên lửa đẩy có thể tái sử dụng.
Tổng Giám đốc Roscosmos cho rằng tất cả các công nghệ thám hiểm không gian cần thiết trước tiên phải được thử nghiệm trên Mặt Trăng, đòi hỏi nguồn năng ổn định trên vệ tinh này.
Nga đang cùng Trung Quốc và hơn 10 nước khác tham gia vào dự án xây dựng trạm năng lượng, bao gồm một nhà máy điện, trên Mặt Trăng.
Ông Bakanov tin rằng việc hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp dự án tiết kiệm kinh phí hơn.
HOÀN ĐỨC