“Ông Trump hứa sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong một đêm. Tốt thôi, hãy để ông ấy thử. Nhưng chúng tôi là những người thực tế, tất nhiên chúng tôi hiểu điều này sẽ không bao giờ xảy ra", đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva, ông Gennady Gatilov cho biết.
"Nhưng nếu ông ấy khởi động hoặc đề xuất khởi động một tiến trình chính trị, điều đó được hoan nghênh”, ông Gennady Gatilov bày tỏ.
Đại diện thường trực Nga tại LHQ nhấn mạnh thêm rằng, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên "thực tế trên thực địa", mô tả Ukraine đang ở thế yếu trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm qua. Theo đó, các lực lượng Nga đang tiến với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất một năm ở Ukraine và hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ nước này.
Đại diện thường trực Nga tại LHQ Gennady Gatilov. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng hòa bình chỉ có thể đạt được khi toàn bộ lực lượng Nga rút hết và toàn bộ lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả Crimea, trở về với Ukraine. Kế hoạch chiến thắng mà ông Zelensky đề ra vào tháng trước vẫn giữ điều khoản này, cũng như kèm thêm cả lời mời Ukraine gia nhập NATO, điều mà Nga từ lâu đã lên án.
Trong khi đó, trên thực tế, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi năm 2022 và cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột, dù không giải thích rõ cách thực hiện.
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 đã làm dấy lên lo ngại tại Ukraine và châu Âu về mức độ cam kết của Mỹ trong hỗ trợ Ukraine trong tương lai.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 14/11, trả lời phỏng vấn của nhà báo Marina Kim cho dự án “Thế giới mới”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẵn sàng liên lạc với Mỹ dưới thời chính quyền ông Donald Trump.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga sẵn sàng đối thoại với chính quyền của ông Donald Trump, tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào sự chủ động của chính quyền mới của Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh Nga “không đặt kỳ vọng gì vào chính quyền mới của Mỹ mà sẽ đánh giá các bước đi cụ thể của nước này”.
Ngoại trưởng Lavrov đồng thời khẳng định, Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, để bắt đầu nối lại đối thoại, Ukraine “cần phải hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với Nga”.
L.Chi