Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko (giữa) chủ trì họp báo. Ảnh: Quỳnh Dương
Phát biểu tại cuộc họp báo Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko đánh giá cao việc tích cực mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước ở nhiều cấp độ khác nhau, kể cả cấp cao nhất.
Sự kiện trọng tâm của năm 2024 là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam vào tháng 6, tạo động lực rõ rệt cho quá trình hợp tác giữa các cơ quan hành pháp, nghị viện, các tổ chức công, khoa học và giáo dục. Tháng 10-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), BRICS+ ở Kazan.
Bên cạnh đó, nhờ việc nối lại một phần đường bay thẳng do hãng hàng không Aeroflot và Iraero khai thác, lượng du khách Nga đến Việt Nam đã tăng trở lại. Hai bên hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được lượng du khách như trước thời điểm đại dịch, khoảng 650 nghìn lượt mỗi năm.
Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí vẫn tiến triển thành công, chủ yếu trong khuôn khổ liên doanh Vietsovpetro. Tháng 6 vừa qua, Liên doanh Vietsovpetro kỷ niệm mốc sản xuất tấn dầu thứ 250 triệu. Trong khi đó, tại Khu tự trị Nenets của Nga, dự án “tấm gương” của JC Rusvietpetro LLC hoạt động nhịp nhàng…
Hai bên đã chuẩn bị dự thảo Kế hoạch toàn diện về phát triển hợp tác Nga - Việt giai đoạn đến năm 2030, trong đó bao gồm lộ trình thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, công nghiệp, năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và giáo dục.
Đại sứ Nga khẳng định, trong thời gian tới, Nga sẵn sàng mở rộng hợp tác thiết thực với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và hy vọng hợp tác truyền thống giữa hai nước sẽ được tăng cường trên cơ sở các thỏa thuận ở cấp cao nhất và cấp cao.
Về hợp tác thương mại, Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Viacheslav Kharinov chia sẻ thêm, từ năm 2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu và Việt Nam đã có hiệu lực. Đến nay, Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định (còn 3 hiệp định trong quá trình nghiên cứu) về đơn giản hóa thủ tục hải quan. Do vậy, việc thúc đẩy hợp tác công nghiệp song phương cùng có lợi sẽ tạo động lực mới để phát triển xuất khẩu hàng hóa phi nguyên liệu, phi năng lượng của Nga sang thị trường các nước trong khu vực, đưa các hàng hóa mới, khả năng mới vào nền kinh tế và thương mại của Việt Nam.
Mặc dù tình hình quốc tế đang diễn biến rất phức tạp, kim ngạch thương mại song phương đối với các mặt hàng truyền thống cũng như các dòng hàng mới vẫn có sự tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2024 kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt được 4,15 tỷ USD, trong đó Nga xuất khẩu sang Việt Nam 2,03 tỷ USD, nhập khẩu từ Việt Nam 2,12 tỷ USD.
Mối quan hệ song phương vững chắc và sự tin cậy về chính trị đang góp phần phát triển mạnh mẽ hợp tác cùng có lợi giữa hai quốc gia.
Quỳnh Dương