Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham dự buổi lễ ký kết hiệp ước an ninh mới. Ảnh: RT
Theo hãng tin Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/2 đã trình lên Hạ viện Nga dự thảo hiệp ước với Belarus nhằm đảm bảo an ninh của Nhà nước Liên minh, cho phép Moscow dùng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai quốc gia bị đe dọa.
Chủ tịch Hạ viên Nga Vyacheslav Volodin cam kết ưu tiên việc xem xét tài liệu này.
“Vấn đề an ninh là vấn đề then chốt đối với chúng tôi. Các điều khoản của Hiệp ước an ninh với Belarus sẽ đảm bảo sự bảo vệ bổ sung cho chủ quyền của các quốc gia chúng ta và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ. Điều này đặc biệt quan trọng trước những hành động khiêu khích liên tục từ các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả những nước giáp ranh với Belarus”, ông Volodin nói.
Hiệp ước an ninh Nga-Belarus được ký vào tháng 12/2024, quy định cả hai nước phải bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau bằng cách sử dụng tất cả các nguồn lực quân sự sẵn có và bao gồm các điều khoản về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga để bảo vệ Belarus trong trường hợp bị xâm lược từ bên ngoài.
Tổng thống Putin cho biết, hiệp ước “sẽ đảm bảo an ninh của Nga và Belarus” và tăng cường hợp tác quân sự giữa hai quốc gia.
Một điều khoản quan trọng của hiệp ước liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, nơi Moscow đã đặt tên lửa đạn đạo như một phần trong quan hệ đối tác Nhà nước Liên minh.
Theo thỏa thuận, hai nước coi kho vũ khí hạt nhân của Nga là công cụ răn đe ngăn chặn cả các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân, trong khi việc sử dụng chúng được coi là lựa chọn cuối cùng.
"Hiệp ước thiết lập một thực tế địa chính trị mới về quan hệ đồng minh giữa Nga và Belarus" - chuyên gia Vyacheslav Sutyrin, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao Khoa học và Sáng kiến Học thuật Triển vọng tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, nói với Vedomosti.
Theo vị chuyên gia này, hiệp ước quy định các nghĩa vụ chung không chỉ trong lĩnh vực đe dọa quân sự mà còn trong trường hợp vi phạm trật tự hiến pháp của các thành viên Nhà nước Liên minh. Do đó, Nga và Belarus sẵn sàng đẩy lùi cả các mối đe dọa hỗn hợp quân sự và chính trị.
Ngay sau khi hiệp ước được ký kết, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng đã yêu cầu triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của Nga trên lãnh thổ Belarus. Theo Tổng thống Nga Putin, các hệ thống mới có thể được triển khai ở Belarus vào cuối năm 2025.
Vào cuối tháng 1, Tổng thống Lukashenko đã đề xuất việc triển khai tên lửa Oreshnik thậm chí có thể diễn ra sớm hơn mà không nêu rõ mốc thời gian.
Nhà lãnh đạo Belasurs cho biết tên lửa mới của Nga sẽ được triển khai gần Smolensk. Đây là thành phố Nga nằm cách biên giới Belarus khoảng 60 km về phía đông. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko không loại trừ khả năng nó có thể được đặt ở vị trí khác sau này.
Ông Lukashenko cũng giải thích rằng việc lựa chọn vị trí triển khai cần dựa trên thông số kỹ thuật của tên lửa.
Nhà lãnh đạo Belarus cho hay ban đầu, nước này muốn tiếp nhận ít nhất 10 hệ thống tên lửa Oreshnik, song việc chuyển giao với quy mô như vậy là rất khó khăn vì lý do kinh tế, đặc biệt khi Nga cũng cần triển khai Oreshnik.
Tên lửa Oreshnik đã được Nga thử nghiệm trên chiến trường ở Ukraine, tấn công cơ sở công nghiệp quân sự Yuzhmash ở TP Dnepr vào tháng 11/2024, nhằm đáp trả vụ Kiev phóng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào sâu trong lãnh thổ Moscow.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik cũng là phản ứng trước việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tới châu Âu.
Theo Tổng thống Nga Putin, tên lửa Oreshnik có thể bay với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và không hệ thống phòng không nào của phương Tây có thể chặn được tên lửa này.
Năm 2023, Nga cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus theo yêu cầu của Tổng thống Lukashenko, người đã lên tiếng lo ngại về một kho vũ khí tương tự được triển khai tại một số quốc gia NATO ở châu Âu.
Nguyễn Phương