Hình ảnh vệ tinh do nền tảng giám sát hàng không AviVector ghi lại vào ngày 19/5, cho thấy căn cứ Olenya hiện có 5 máy bay Tu-95MS, 5 máy bay vận tải An-12 và 38 máy bay ném bom Tu-22M3.
Hình ảnh vệ tinh của căn cứ không quân Olenya, ngày 19/5. (Nguồn: X)
Hai chiếc Tu-95MS mới được điều từ căn cứ Belaya ở Siberia, đánh dấu sự tăng cường lực lượng không quân chiến lược tại một điểm đóng quân vốn đã được chú trọng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022.
Olenya nằm cách Ukraine khoảng 1.800 km về phía bắc và chỉ cách Phần Lan, thành viên NATO từ năm 2023, khoảng 150 km. Vị trí này khiến căn cứ trở thành tâm điểm chú ý của giới hoạch định chính sách phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO tại khu vực Bắc Cực đang gia tăng.
Máy bay ném bom 'gầm rú' Tu-95MS
Tu-95MS, được NATO định danh là "Bear-H", là một trong những máy bay ném bom chiến lược chủ lực của Nga. Dù được thiết kế từ thập niên 1950, dòng máy bay sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt này vẫn giữ được vai trò quan trọng nhờ nhiều đợt nâng cấp.
Với bốn động cơ Kuznetsov NK-12 điều khiển các cánh quạt quay ngược chiều, Tu-95MS tạo ra âm thanh đặc trưng và có tốc độ hành trình khoảng 700 km/h.
Tu-95MS có thể bay liên tục hơn 14.000 km nếu không tiếp nhiên liệu, phù hợp cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa. Máy bay có thể mang theo tới 8 tên lửa hành trình Kh-101 hoặc Kh-55 – các loại vũ khí có tầm bắn hơn 2.500 km – được gắn dưới cánh hoặc trong khoang vũ khí bên trong.
Bên cạnh đó, máy bay còn được trang bị radar Obzor-MS để dẫn đường và nhắm mục tiêu, cùng hệ thống đối phó điện tử nhằm gây nhiễu radar và dẫn đường tên lửa đối phương. Tuy nhiên, tiếng ồn lớn từ động cơ và khung thân cũ kỹ khiến Tu-95MS dễ bị phát hiện nếu bay gần khu vực có hệ thống phòng không hiện đại.
So với các máy bay ném bom tàng hình như B-2 Spirit hay B-21 Raider của Mỹ, Tu-95MS kém hơn về công nghệ tàng hình và khả năng xâm nhập không phận được bảo vệ. Dù vậy, nhờ mang tên lửa hành trình tầm xa, máy bay vẫn duy trì được sức răn đe chiến lược từ khoảng cách an toàn.
Tầm quan trọng của Olenya trong mạng lưới quân sự Nga
Olenya là căn cứ có lịch sử lâu đời, nằm cách thành phố Murmansk khoảng 92 km về phía nam. Được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, nơi đây từng phục vụ cho các đơn vị trinh sát hàng không của Hải quân Liên Xô.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS. (Nguồn: TASS)
Sân bay này sở hữu đường băng dài 3.500 mét, dài nhất trên bán đảo Kola, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay hạng nặng và phục vụ các chuyến bay xuyên Bắc Đại Tây Dương.
Trong những năm 1960-1970, Olenya từng là điểm dừng cho các chuyến bay dân dụng từ Moscow đi Havana. Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, căn cứ này đã trở thành điểm xuất phát cho nhiều đợt tấn công tên lửa hành trình nhằm vào lãnh thổ Ukraine, chủ yếu phóng từ không phận an toàn phía nam như biển Caspi hoặc khu vực Saratov.
Vị trí xa xôi giúp Olenya tránh được các cuộc tấn công bằng UAV từ Ukraine, đặc biệt sau khi các căn cứ gần tiền tuyến như Engels bị tấn công trong các năm 2022 và 2023.
Diễn biến mới và bước đi chiến lược
Việc điều thêm hai máy bay Tu-95MS từ căn cứ Belaya, nằm sâu trong vùng Irkutsk, Siberia, không phải là điều thường lệ. Từ đầu năm 2025, ảnh vệ tinh đã cho thấy sự gia tăng hiện diện máy bay tại Olenya, trong đó có tới 10 chiếc Tu-95MS, 35 chiếc Tu-22M3 và 5 máy bay vận tải An-12.
Ngoài mục tiêu liên quan đến Ukraine, việc tăng cường lực lượng ở Olenya còn có ý nghĩa lớn về mặt địa chính trị. Căn cứ này nằm gần Phần Lan và Na Uy, hai quốc gia NATO và là cửa ngõ dẫn vào Bắc Cực, nơi Nga đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự để bảo vệ các tuyến đường biển và tài nguyên.
Tháng 11/2019, Olenya từng là nơi phóng thử tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal ở Bắc Cực.
Dù vẫn giữ vai trò quan trọng, Tu-95MS và các máy bay ném bom cũ khác của Nga cũng đang đối mặt với nhiều giới hạn. Theo Defense Express, chỉ khoảng 50% số Tu-22M3 còn hoạt động tốt. Tu-95MS thì nhiều hơn nhưng đòi hỏi bảo trì cao và tốn kém, đặc biệt khi hoạt động ở những căn cứ xa như Olenya.
Xuân Minh