Máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Liên minh châu Âu (EU) do lo ngại về an toàn hàng không và các rủi ro kỹ thuật liên quan đến đội bay của Nga.
Một quan chức Ủy ban châu Âu khẳng định các lệnh trừng phạt hiện hành của EU vẫn được duy trì nghiêm ngặt, trong đó bao gồm lệnh cấm các hãng hàng không Nga sử dụng không phận EU. Bên cạnh yếu tố chính trị, Brussels cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng an toàn của đội bay Nga, sau hơn ba năm không được tiếp cận phụ tùng thay thế từ các nhà sản xuất phương Tây như Boeing hay Airbus.
“Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các hãng hàng không Nga đã bị cấm bay vào hay quá cảnh qua không phận EU và Mỹ, cũng như không được tiếp cận linh kiện máy bay từ phương Tây”, quan chức EU cho biết. Nga sau đó đã đáp trả bằng cách đóng cửa không phận đối với các hãng bay phương Tây.
Ông Sander Starreveld, Giám đốc Công ty tư vấn hàng không SIG Aviation, nhận định việc các hãng hàng không Nga tiếp tục vận hành đội bay trong điều kiện không được tiếp cận phụ tùng thay thế từ phương Tây làm dấy lên lo ngại về khả năng sử dụng linh kiện giả và không đạt tiêu chuẩn. Ông cảnh báo rằng việc cho phép các máy bay này hoạt động tại châu Âu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với an toàn bay, mà còn có thể dẫn đến việc các thiết bị kỹ thuật không đảm bảo chất lượng lọt vào hệ thống kỹ thuật của EU.
Việc khôi phục quyền bay cho các hãng hàng không Nga như Aeroflot cũng sẽ gây áp lực lớn lên Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA), do cơ quan này sẽ phải kiểm tra toàn diện để đảm bảo các máy bay của Nga đáp ứng tiêu chuẩn tương đương với các máy bay đang khai thác tại châu Âu. Quá trình này được cho là sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực.
Ngoài ra, nhiều máy bay Nga hiện tại vốn không thuộc quyền sở hữu của các hãng hàng không Nga mà được giữ lại sau khi Nga quốc hữu hóa các máy bay thuê từ phương Tây. Theo ông Starreveld, nếu những máy bay này hạ cánh tại châu Âu, chúng có thể bị các công ty cho thuê thu giữ ngay lập tức để đòi lại tài sản.
Ngày 11/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng việc nối lại các chuyến bay trực tiếp tới Mỹ nên được xem xét trong khuôn khổ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với hãng hàng không Aeroflot. Ông cho biết phía Mỹ đã cân nhắc vấn đề này, tuy nhiên hiện vẫn chưa có động thái cụ thể nào được đưa ra.
Một số nguồn tin hôm 17/4 cho biết Nga đã đề nghị được phép mua máy bay Boeing và thanh toán bằng tài sản nhà nước đang bị Mỹ đóng băng nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Đề xuất này được cho là một phần trong nỗ lực khôi phục các hoạt động hàng không quốc tế của Nga.
Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga, một số tín hiệu tích cực từ giới kinh doanh đang mang lại hy vọng cho Moskva. Hồi tháng 3, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Nga, ông Robert Agee, đã công khai kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt trong lĩnh vực hàng không, nhấn mạnh rằng phần lớn đội bay dân dụng của Nga là máy bay Boeing và việc thiếu phụ tùng đang ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hàng không Nga cũng có thể dẫn đến áp lực tương tự từ các hãng hàng không châu Âu - những đơn vị từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về chi phí gia tăng do phải tránh không phận Nga trên các tuyến bay tới châu Á. Thực tế này được cho là đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho một số hãng hàng không ngoài khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Bất chấp những yếu tố kinh tế, EU vẫn thận trọng trước khả năng mở lại không phận cho các hãng bay Nga, một phần vì lo ngại liên quan đến an ninh. Sau vụ máy bay của hãng hàng không Azerbaijan gặp nạn vào dịp Giáng sinh - được cho là trúng tên lửa phòng không của Nga - Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu đã khuyến cáo các hãng bay tránh hoàn toàn khu vực phía tây nước Nga.
Hoàng Anh/Báo Tin tức