Nga trình làng máy bay tàng hình Su-57M tích hợp AI: Đối thủ đáng gờm trong không chiến hiện đại

Nga trình làng máy bay tàng hình Su-57M tích hợp AI: Đối thủ đáng gờm trong không chiến hiện đại
8 giờ trướcBài gốc
Nga mới ra mắt máy bay tàng hình Su-57M tích hợp AI nâng cấp từ Su-57. (Ảnh: Andrei Shmatko)
Cột mốc này đánh dấu bước tiến đáng kể của Nga trong nỗ lực theo đuổi nền tảng đa năng tiên tiến nhằm chiếm ưu thế trên không.
Được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), khả năng tàng hình nâng cao và radar tầm xa, Su-57M đặt mục tiêu xác định lại các chuẩn mực công nghệ của máy bay chiến đấu hiện đại. Sự ra mắt của Su-57M tái khẳng định cam kết của Nga trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không vũ trụ bất chấp những thách thức đang diễn ra, đồng thời mở ra giại đoạn mới của lực lượng không quân hiện đại của nước này.
Cải tiến vượt trội
Su-57M là một phiên bản cải tiến của Su-57 nằm trong Tổ hợp hàng không tương lai cho không quân chiến thuật (PAK FA) của Nga. Phiên bản mới khắc phục những điểm yếu của Su-57 bằng các tính năng được nâng cấp, cải thiện độ chính xác và động cơ mới, có thể cạnh tranh với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của phương Tây như F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ.
Điểm cốt lõi trong những cải tiến của Su-57M là khung máy bay, được thiết kế lại để có hiệu suất khí động học vượt trội. Máy bay có thân rộng hơn, dài khoảng 14,8m; sải cánh 9,8m và chiều cao 4,6m.
Cấu tạo này giúp tăng cường lực nâng và độ ổn định ở tốc độ siêu thanh, cho phép Su-57M đạt tốc độ Mach 1,6 (khoảng 1.930km/h) mà không cần động cơ đốt sau, điểm đặc trưng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Khung máy bay được chế tạo bằng vật liệu composite như polyme, sợi thủy tinh và vật liệu khác nhằm giảm trọng lượng, tăng độ bền cho máy bay. Su-57M có trọng lượng không tải 18,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn. Những vật liệu này, kết hợp với hình dạng tối ưu hóa tàng hình, làm giảm tiết diện radar của máy bay.
Su-57M được trang bị hai động cơ turbofan Saturn AL-51F-1, mỗi động cơ tạo lực đẩy 15.000kg. So với động cơ AL-41F1 phiên bản trước, AL-51F-1 cải thiện hiệu suất nhiên liệu, lực đẩy và khả năng tàng hình. Động cơ mới giảm tiết diện radar và nhiệt, tăng khả năng sống sót trong môi trường chiến đấu.
AL-51F-1 cải thiện 15% hiệu suất nhiên liệu và tăng 20% tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng so với phiên bản trước, cho phép Su-57M đạt tốc độ tối đa Mach 2.
Su-57M được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), khả năng tàng hình nâng cao và radar tầm xa. (Nguồn:Valhalla)
Điểm nhấn AI
Điểm nổi bật của Su-57M là tích hợp AI vào các hệ thống trên máy bay giúp tự động hóa các hoạt động. Phi công thử nghiệm Sergei Bogdan cho biết, các hệ thống trên máy bay Su-57M có thể được khởi tạo chỉ bằng một lần nhấn nút, giúp giảm thời gian kiểm tra trước khi bay từ vài phút xuống còn vài giây, qua đó tăng khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ điều hướng, thu thập mục tiêu và cảm biến, giúp giảm khối lượng công việc của phi công, cho phép phi công tập trung vào việc ra quyết định chiến thuật thay vì quản lý hệ thống phức tạp. Trong buồng lái, AI đóng vai trò như một phi công phụ ảo. Hệ thống sử dụng thuật toán học máy để dự đoán hành vi của mục tiêu, đề xuất các kịch bản tấn công hay phòng thủ.
Cốt lõi của hệ thống điện tử hàng không là hệ thống vô tuyến điện tử tích hợp đa chức năng Sh121, có radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) N036 Byelka gắn trên mũi, được bổ sung bởi hai radar AESA hướng về hai bên máy bay.
Cấu hình này giúp tăng khả năng nhận thức tình huống 360 độ, với phạm vi phát hiện lên đến 400 km đối với các mục tiêu trên không và khả năng theo dõi 60 mục tiêu cùng lúc trong khi tấn công đồng thời 8 mục tiêu. Chế độ có xác suất đánh chặn thấp của radar giúp tăng khả năng tàng hình bằng cách giảm thiểu phát xạ có thể phát hiện được.
Bằng cách xử lý khối lượng dữ liệu lớn từ radar AESA và cảm biến hồng ngoại, AI có thể phản ứng nhanh, cung cấp các chiến thuật tức thì.
Hệ thống vũ khí và khả năng tác chiến điện tử
Hệ thống vũ khí của Su-57M được đặt vào hai khoang vũ khí bên trong song song, mỗi khoang dài 4,4m và rộng 0,9m, và hai khoang nhỏ hơn gần cánh máy bay. Kho lưu trữ bên trong này có thể chứa tới 4 tên lửa không đối không K-77M ở mỗi khoang chính, sử dụng tại các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn với tầm bắn 200km.
Các khoang nhỏ có thể mang tên lửa tầm ngắn R-74M để chiến đấu khoảng cách gần. Trường hợp tấn công mặt đất, Su-57M có thể triển khai bom dẫn đường chính xác KAB-250 hoặc KAB-500 và tên lửa không đối đất Kh-38.
Đáng chú ý, Su-57M có thể mang cả tên lửa siêu thanh Kinzhal với tầm bắn 2.000 km và tốc độ Mach 10. Việc tích hợp vũ khí siêu thanh phù hợp với chiến lược rộng hơn của Nga nhằm chống lại các hệ thống phòng không tiên tiến, mặc dù việc sử dụng tên lửa siêu thanh trong thực chiến vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Su-57M còn có khả năng điều khiển máy bay không người lái (UAV) hạng nặng S-70 Okhotnik, có chung lớp phủ tàng hình và động cơ AL-51F-1.
Khả năng tác chiến điện tử là một yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng sống sót của Su-57M. Loại máy bay này được trang bị bộ tác chiến điện tử L402 Himalayas, bao gồm bộ thu cảnh báo radar, hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận và gây nhiễu chủ động. Khả năng tác chiến điện tử cho phép Su-57M đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến, chống radar và tên lửa dẫn đường hồng ngoại của đối phương.
Ngoài ra, Su-57M cũng có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại ( IRST) 101KS Atoll giúp phát hiện mục tiêu thụ động ở phạm vi lên tới 100km, tăng cường hơn nữa khả năng tấn công các đối thủ tàng hình mà không cần dựa vào phát xạ radar. Sự kết hợp giữa các hệ thống tác chiến điện tử và IRST khiến Su-57M trở thành một vũ khí đa năng có khả năng thích ứng với nhiều tình huống đe dọa khác nhau.
Với khả năng tàng hình và tích hợp AI, Su-57M dự kiến sẽ đảm nhận các vai trò mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc xuyên thủng các hệ thống phòng không tiên tiến và tham gia chiến đấu không đối không. Khả năng siêu hành trình và tầm hoạt động mở rộng của loại máy bay này khiến nó phù hợp cho các hoạt động ở các khu vực rộng lớn như Bắc Cực hay Trung Á, nơi Nga muốn thể hiện sức mạnh.
Về chi phí và xuất khẩu, với chi phí ước tính 50 triệu USD mỗi chiếc, Su-57M rẻ hơn đáng kể so với F-35 của Mỹ (110 triệu USD). Điều này khiến Su-57M trở nên hấp dẫn đối với các quốc gia tìm kiếm khả năng tiên tiến với ngân sách hạn hẹp.
Sự ra đời của Su-57M phản ánh xu thế của các quốc gia bên ngoài phương Tây đang thách thức sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực hàng không quân sự, tương tự như máy bay chiến đấu J-20 và J-35 của Trung Quốc. Việc giới thiệu Su-57M đánh dấu một thời điểm quan trọng, báo hiệu khả năng phục hồi trước nghịch cảnh của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga.
Việc tích hợp AI, cải tiến khả năng tàng hình và siêu hành trình định vị Su-57M là một đối thủ đáng gờm trong không chiến hiện đại, có khả năng giải quyết các nhu cầu chiến lược của Nga, trong khi vẫn hấp dẫn các thị trường xuất khẩu.
(theo Bulgarian Military)
Duy Phương
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/nga-trinh-lang-may-bay-tang-hinh-su-57m-tich-hop-ai-doi-thu-dang-gom-trong-khong-chien-hien-dai-314846.html