Chiến sự Nga-Ukraine, bước vào năm thứ ba, không còn là một cuộc xung đột khu vực đơn thuần mà đã trở thành một điểm nóng toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến cán cân quyền lực quốc tế.
Trong năm 2024, Nga đã định hình lại cách tiếp cận đối với cuộc xung đột bằng cách thay đổi chiến thuật quân sự, tăng cường khả năng phòng thủ nội địa, và tận dụng đòn bẩy ngoại giao để đối phó với sức ép của phương Tây, theo đài RT.
Theo ông Roman Shumov - nhà sử học người Nga chuyên về các cuộc xung đột và chính trị quốc tế, những thay đổi này không chỉ làm phức tạp thêm tình hình mà còn đẩy cuộc xung đột vào một giai đoạn mới mà ở đó các lợi ích chiến lược, kinh tế và chính trị đan xen, tạo ra những hệ quả lâu dài đối với cả hai bên và thế giới.
Chiến trường: Nga điều chỉnh chiến thuật để tăng hiệu quả
Đầu tiên là chiến dịch tập trung vào vùng Donbass. Năm 2024 chứng kiến sự chuyển đổi trong chiến thuật quân sự của Nga, với việc từ bỏ các cuộc tấn công diện rộng, thay vào đó tập trung vào các chiến dịch nhỏ nhưng có tính chiến lược cao.
Donbass tiếp tục là trung tâm giao tranh, đặc biệt ở các TP Avdiivka và Bakhmut (tỉnh Donetsk) – những thành trì quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Khói bốc lên từ thành phố biên giới Vovchansk (tỉnh Kharkiv, Ukraine), nơi bị pháo hạng nặng bắn phá hàng ngày. Ảnh: GETTY IMAGES
Nga đã triển khai chiến thuật “bào mòn” bằng cách sử dụng pháo binh, máy bay không người lái (UAV) cảm tử, và lực lượng xe tăng để tạo sức ép liên tục, gây hao tổn lớn cho quân đội Ukraine. Chiến thuật này không chỉ giúp Nga củng cố các khu vực đã chiếm được mà còn khiến Kiev gặp khó khăn trong việc tập trung nguồn lực phản công.
Đến cuối năm 2024, các bước tiến của Nga, dù chậm, đã mang lại hiệu quả đáng kể: quân đội nước này kiểm soát thêm nhiều khu vực chiến lược ở Donbass, tạo ra vùng đệm an toàn cho các thành phố do lực lượng thân Nga ở vùng Donbass kiểm soát.
Sau đó, phía Nga chuyển sang chiến lược tăng cường công nghệ quân sự. Theo ông Shumov, Nga đã tích cực áp dụng công nghệ vào chiến đấu, đặc biệt trong việc sử dụng UAV và hệ thống vũ khí tự động trong cuộc xung đột Ukraine.
Một số báo cáo cho thấy Moscow đã triển khai các mẫu UAV thế hệ mới, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng hiệu quả giám sát và tấn công.
Ngoài ra, Nga cũng tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công hạ tầng quân sự và dân sự ở sâu trong lãnh thổ Ukraine, từ đó làm suy giảm khả năng kháng cự của Kiev. Đầu tháng 11-2024, Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik tấn công tổ hợp công nghiệp quân sự ở TP Dnipro (tỉnh Dnipropetrovsk, Ukraine), tạo luồng quan tâm lớn từ Kiev lẫn cộng đồng quốc tế.
Về chiến lược củng cố phòng thủ nội địa, theo ông Shumov, Moscow đã tập trung vào việc xây dựng một hệ thống cung ứng nội địa vững chắc. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo tăng cường sản xuất quân sự, từ đạn dược, xe tăng, đến các hệ thống phòng không hiện đại.
Đồng thời, các gói hỗ trợ tài chính và phúc lợi cho lực lượng quân đội giúp Nga thu hút được một số lượng lớn tình nguyện viên, đặc biệt từ các vùng sâu vùng xa, nơi cơ hội kinh tế hạn chế.
Ngoại giao: Nga và phương Tây trên bàn cờ toàn cầu
Theo ông Shumov, năm 2024 đánh dấu sự gia tăng các biện pháp ngoại giao của Nga nhằm phá vỡ sự cô lập của phương Tây. Moscow tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia như Trung Quốc, Iran, và một số nước thuộc khu vực Mỹ Latinh để tăng cường trao đổi kinh tế và quân sự.
Binh sĩ Nga chiến đấu trên chiến trường Ukraine. Ảnh: TASS
Một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt Hungary, cũng tỏ ra do dự trong việc tiếp tục ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối của phương Tây với Nga, làm suy yếu mặt trận chống Moscow của phương Tây.
Trước bối cảnh trên, Ukraine đang mất dần ưu thế ngoại giao khi sự hỗ trợ từ phương Tây không còn mạnh mẽ như trước. Các nước EU và Mỹ, dù vẫn duy trì viện trợ, đang phải đối mặt với áp lực nội bộ từ cử tri - những người ngày càng phản đối việc chi ngân sách lớn cho một cuộc chiến kéo dài.
Nền kinh tế Ukraine tiếp tục bị hủy hoại do chiến sự, với cơ sở hạ tầng bị phá hủy và xuất khẩu giảm mạnh. Nông nghiệp – ngành kinh tế chủ đạo – gặp khó khăn lớn do các cuộc tấn công vào kho lương thực và cảng biển, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine năm 2024 là một ví dụ điển hình về xung đột tiêu hao hiện đại - nơi không có bên nào đạt được chiến thắng quyết định nhưng cả hai đều phải gánh chịu những tổn thất lớn.
Dù hòa bình vẫn là mục tiêu xa vời, cục diện hiện tại cho thấy Nga đang có lợi thế hơn trong cuộc chơi lâu dài này, với khả năng gây áp lực ngày càng lớn lên Kiev và các đồng minh phương Tây.
DƯƠNG KHANG