Trạm khí đốt Russkaya ở vùng Krasnodar, miền Nam Nga. Ảnh: TASS
Đợt trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay
Mỹ và Anh ngày 10-1 siết chặt trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga với cáo buộc lĩnh vực này là nguồn thu chính mà Điện Kremlin sử dụng để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt, nhắm mục tiêu cắt giảm doanh thu từ ngành kinh tế huyết mạch của Nga, khiến nước này có thể chịu thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, đợt trừng phạt này nhằm thực hiện cam kết của G7 về việc cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Nga. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đưa vào danh sách đen 183 tàu chở dầu và hai tập đoàn dầu khí lớn là Gazprom Neft và Surgutneftegas cùng hơn 20 chi nhánh của họ. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận định biện pháp này có thể gây thiệt hại "hàng tỷ USD mỗi tháng" cho nền kinh tế Nga.
Song song với đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng triển khai các hành động nhằm chặn hai dự án khí đốt thiên nhiên hóa lỏng đang hoạt động và một dự án dầu mỏ lớn của Nga. Không chỉ vậy, các thực thể của nước thứ ba hỗ trợ hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, nhiều nhà cung cấp dịch vụ dầu khí có trụ sở tại Nga và các quan chức cấp cao của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi nhắm vào nguồn doanh thu lớn nhất của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt đáng kể đối với ngành năng lượng của nước này. Các lệnh trừng phạt mới chắc chắn nhắm vào cả dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga. Chúng tôi dự kiến hành động của mình sẽ khiến Nga có thể phải hứng chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng. Đừng nên quên rằng các lệnh trừng phạt này là tiếp tục thực hiện cam kết của G7 nhắm vào khả năng của Nga trong việc sử dụng ngành năng lượng của mình để tài trợ và duy trì hành động quân sự tại Ukraine”. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden chọn thời điểm này, khi chỉ còn10 ngày nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ, để áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn vì lo ngại về thị trường dầu mỏ thế giới đã lắng xuống.
Trong một động thái phối hợp, chính quyền Anh cùng ngày cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz. London và các đồng minh phương Tây còn nhắm mục tiêu vào những tàu giúp Nga tránh lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế hoặc cấm chúng di chuyển và tiếp cận một số cảng của Anh. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ bắt đầu tham vấn với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga vào ngày 14-1.
Phản ứng của Nga
Nga đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này, gọi đây là động thái “bất hợp pháp”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga không chỉ gây tổn hại cho Moscow mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Putin lưu ý rằng, Nga đã vượt qua những thách thức do các lệnh trừng phạt gây ra và chính các biện pháp trừng phạt đã trở thành động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của Nga. Trước khi loạt lệnh trừng phạt mới được công bố, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng từng chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "tìm cách để lại di sản nặng nề nhất" cho người kế nhiệm.
Còn Gazprom Neft tuyên bố vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì khả năng chống chịu, cho rằng quyết định của Mỹ là "thiếu căn cứ, bất hợp pháp và đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh tự do". Tập đoàn này khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản trừng phạt tiêu cực khác nhau trong suốt hai năm qua. Tương tự, công ty bảo hiểm Ingossstrakh của Nga - một đối tượng khác trong danh sách trừng phạt - cũng cam kết vẫn hoạt động bình thường.
Trong khi đó, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 11-1 khẳng định quyết định áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với ngành năng lượng Nga của Mỹ sẽ được đáp trả. Thông báo khẳng định hành động đáp trả của Nga sẽ được tính đến khi Moscow xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại. Để ứng phó, Nga sẽ tiếp tục triển khai các dự án sản xuất dầu khí lớn, cũng như thay thế nhập khẩu, cung cấp dịch vụ khai thác dầu khí và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba, đồng thời lưu ý Moscow đã và vẫn là một bên chủ chốt và đáng tin cậy trên thị trường năng lượng toàn cầu.
AN BÌNH