Sau hai ngày hội đàm ở thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), ngày 25-3, Mỹ cho biết đã đạt được các thỏa thuận riêng lẻ với Nga và với Ukraine nhằm tạm dừng các cuộc tấn công trên biển và nhắm vào các mục tiêu năng lượng.
Thỏa thuận mở ra hy vọng cho cho một tiến trình hòa bình thực sự chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm giữa Nga và Ukraine.
Nội dung thỏa thuận ngừng bắn
Theo thông tin từ Nhà Trắng, cả Nga và Ukraine đã “nhất trí đảm bảo an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc lợi dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự tại Biển Đen”.
Phần thứ hai của thỏa thuận bao gồm việc Mỹ và Nga xây dựng các biện pháp nhằm dừng các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga và của Ukraine trong thời gian 30 ngày.
Theo tờ The New York Times, để đảm bảo thỏa thuận được chấp thuận, Nhà Trắng đã đưa ra cho mỗi bên những đảm bảo về các yêu cầu quan trọng. Với Nga, Mỹ cam kết hỗ trợ nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của nước này – một yêu cầu mà Moscow đưa ra suốt thời gian qua.
Đối với Ukraine, Mỹ tái khẳng định cam kết của mình đối với một số yêu cầu lâu dài của nước này, chẳng hạn tạo điều kiện cho “trao đổi tù binh chiến tranh, thả tù nhân dân sự và trao trả trẻ em Ukraine bị di dời trong giao tranh”.
Binh sĩ Ukraine tuần tra ở phía tây bắc Biển Đen. Ảnh: AFP
Sau khi thỏa thuận được công bố, Điện Kremlin cho biết sẽ chỉ thực hiện thỏa thuận nếu một loạt lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga tham gia vào hoạt động thương mại nông nghiệp được dỡ bỏ.
Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ điều này, khẳng định rằng các thỏa thuận không yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt lên Nga.
“Thật đáng tiếc, ngay cả lúc này, ngay trong ngày đàm phán, chúng ta đã thấy người Nga bắt đầu thao túng. Họ đã cố tình bóp méo các thỏa thuận và thực tế là lừa dối cả các bên trung gian lẫn toàn thế giới” - ông Zelensky nói.
Cả Kiev và Moscow đều khẳng định sẽ trông cậy vào Washington để giám sát việc thực thi thỏa thuận, nhưng đồng thời không giấu được sự hoài nghi về việc đối phương có thực sự tuân thủ hay không.
“Chúng tôi cần những đảm bảo rõ ràng. Và với những bài học đáng buồn từ các thỏa thuận chỉ với Kiev trước đây, sự đảm bảo duy nhất có thể có chính là một mệnh lệnh từ Washington buộc Tổng thống Zelensky và đội ngũ của ông ấy phải làm điều này thay vì điều kia” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với đài Channel One.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky xác nhận thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực ngay lập tức và nếu Nga vi phạm thì ông sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Moscow cũng như cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. “Chúng tôi không tin người Nga, nhưng chúng tôi sẽ hành động một cách xây dựng” - ông Zelensky lưu ý.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Rustem Umerov cho biết Kiev sẽ coi bất kỳ sự di chuyển nào của tàu quân sự Nga ra khỏi khu vực phía đông Biển Đen là hành động vi phạm và đe dọa, theo đó Ukraine có toàn quyền tự vệ.
Ngày 25-3, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) - nói rằng “vẫn còn quá sớm” để bình luận về sự tham gia của LHQ vào các nỗ lực đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đen.
Ý nghĩa và triển vọng của thỏa thuận ngừng bắn
Biển Đen nhìn từ cảng Odessa (Ukraine). Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn một phần vừa được công bố được xem là bước tiến đáng kể đầu tiên hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cho xung đột Nga-Ukraine. Thỏa thuận cũng là các cam kết chính thức đầu tiên của hai bên tham chiến kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Dù hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận ngừng bắn này sẽ được thực thi như thế nào, vào thời điểm nào và mức độ cam kết của mỗi bên ra sao, nhưng thỏa thuận cũng dẫn đến một số chuyển biến.
Thỏa thuận đánh dấu lần đầu tiên một phần đáng kể trong các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ được dỡ bỏ kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2-2022. Theo tờ The Guardian, thỏa thuận phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong cán cân ngoại giao xung quanh Ukraine khi đặt châu Âu vào tình thế phải cân nhắc lại các lệnh trừng lệnh lên Nga.
Điều khoản ngừng tấn công vào cơ sở năng lượng trong thỏa thuận được giới chuyên gia nhìn nhận tích cực vì các đòn tấn công kiểu này đã trở thành trọng tâm trong chiến lược làm suy yếu đối phương của cả hai bên suốt cuộc chiến.
Nga liên tục bị cáo buộc dội bom vào lưới điện của Ukraine, đặc biệt trong những mùa đông giá rét. Trong khi đó, Ukraine nhiều lần nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Nga để cắt nguồn thu của Moscow.
Trong bối cảnh này, một thỏa thuận ngừng tấn công vào cơ sở năng lượng có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Ukraine sẽ có thời gian sửa chữa hệ thống năng lượng bị tàn phá, trong khi Nga không còn phải đối mặt tổn thất tiếp theo đối với các cơ sở dầu mỏ quan trọng.
Đối với điều khoản ngừng bắn trên Biển Đen, các chuyên gia cho rằng dù cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc vào Biển Đen để xuất khẩu hàng hóa, nhưng khó có thể đảm bảo thỏa thuận này có thể duy trì lâu dài vì quan điểm của hai bên trong vấn đề này còn nhiều khác biệt.
Ông Andrii Klymenko, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược Biển Đen (trụ sở Hy Lạp), tỏ ra hoài nghi về khả năng thực thi bất kỳ thỏa thuận hàng hải nào giữa Nga và Ukraine. “Ý định của các bên hoàn toàn trái ngược nhau” - ông Klymenko viết trên Facebook, lưu ý rằng Kiev muốn ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng cảng, trong khi Moscow lại hy vọng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc năm 2022, vốn mang lại cho Nga một mức độ kiểm soát nhất định đối với hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đen.
Không lâu sau khi Mỹ thông báo về thỏa thuận ngừng bắn một phần giữa Nga và Ukraine, cộng đồng tình báo Mỹ công bố một bản đánh giá cho rằng Moscow và Kiev có thể có động cơ lớn hơn để kéo dài cuộc chiến thay vì vội vàng tiến tới một thỏa thuận “không toàn diện”, theo hãng tin Bloomberg.
“Mặc dù cả hai bên đã thể hiện sự sẵn sàng thử nghiệm các thỏa thuận ngừng bắn một phần, nhưng các nhà lãnh đạo hai bên có lẽ cho rằng kéo dài cuộc chiến ít rủi ro hơn so với chấp nhận một thỏa thuận không như mong muốn” - theo bản đánh giá mới nhất của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ được trình bày tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 25-3.
Có tin Nga yêu sách kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh Ukraine bị sáp nhập khi đàm phán với Mỹ
Tờ The Moscow Times dẫn lời các nguồn thạo tin rằng Nga đang thúc đẩy giành toàn quyền kiểm soát 4 vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga sáp nhập năm 2022 (gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson) trong các cuộc đàm phán với Mỹ tại Saudi Arabia. Nga đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ các vùng lãnh thổ theo ranh giới hành chính sau đợt tuyên bố sáp nhập hồi năm 2022.
Một quan chức thân cận với Điện Kremlin nói với The Moscow Times rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể để mất những khu vực này về mặt chính trị, và Moscow quyết tâm củng cố quyền kiểm soát bằng mọi giá.
“Hiến pháp không có cơ chế nào để một vùng lãnh thổ rời khỏi Nga. Chúng tôi cần toàn bộ Zaporizhia và toàn bộ Kherson” - quan chức này tuyên bố.
Một nguồn tin khác trong chính phủ Nga gợi ý rằng Moscow hy vọng Washington có thể gây áp lực buộc Kiev rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.
“Hoặc Tổng thống Trump thuyết phục Ukraine rút lui, hoặc chúng tôi sẽ phải vừa tham gia các cuộc đàm phán không hồi kết, vừa dùng vũ lực để giữ vững quyền kiểm soát. Đây sẽ là kịch bản tệ nhất cho chúng tôi, bởi vượt sông luôn là một chiến dịch hao tổn nhân lực lớn” - nguồn tin này cho biết.
Ngoài ra, Nga có thể tìm cách kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine, chẳng hạn các khu vực thuộc Dnipropetrovsk hoặc Sumy, sau đó đề xuất trao đổi để giữ Kherson và Zaporizhia, một quan chức Nga khác nhận định.
“Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra phương án tránh phải mở cuộc tấn công vào Kherson hoặc tổ chức vượt sông Dnipro. Điều đó sẽ khiến chúng tôi phải chịu thương vong hàng nghìn người” - nguồn tin này nói.
Tính đến cuối năm 2024, lực lượng Nga đã kiểm soát khoảng 98,5% lãnh thổ tỉnh Luhansk và 60% lãnh thổ tỉnh Donetsk. DƯƠNG KHANG
THẢO VY