Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, không có thỏa thuận cụ thể nào về các cuộc họp tiếp theo giữa Nga và Ukraine. Ông đồng thời cho biết, công việc hiện tập trung vào cuộc trao đổi tù binh lớn được các bên nhất trí hồi tuần trước tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ:
“Công việc đang được tiến hành để trao đổi danh sách cụ thể những tù nhân sẽ được trả. 1.000 tù nhân để đổi lấy 1.000 tù nhân khác, đây là một vấn đề khá tốn công sức và đòi hỏi phải có thời gian. Tuy nhiên mọi việc sẽ được tiến hành nhanh chóng. Bởi các bên đều quan tâm đền việc hoàn thành mục tiêu này càng sớm các càng tốt.”
Nga và Ukraine đàm phán hòa bình trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Sau 2 giờ đàm phán tại Istanbul hôm 16/5, Nga và Ukraine đã đồng ý trao đổi 1 nghìn tù binh chiến tranh mỗi bên. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Trong một phát biểu hồi đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ đề xuất và sẵn sàng làm việc với Ukraine về một bản ghi nhớ phác thảo khuôn khổ cho một hiệp ước hòa bình có thể có trong tương lai.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khẳng định các công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho cuộc trao đổi tù nhân tiềm năng với Nga và rằng, nước này cùng với các đối tác đang cân nhắc việc sắp xếp một cuộc họp cấp cao giữa Ukraine, Nga, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu và Anh: “Chúng tôi đang cân nhắc một cuộc họp của tất cả các nhóm một lần nữa và muốn nó diễn ra ở cấp cao, với sự tham gia của cả Mỹ, Ukraine, Nga, Liên minh châu Âu và Anh. Một cuộc họp như vậy có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ”.
Theo các nhà phân tích, việc chưa lên lịch cho bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào phản ánh tính toán chiến lược từ cả hai phía. Ukraine tới nay vẫn giữ lập trường không nhượng bộ các vấn đề về lãnh thổ, trong khi Nga muốn giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Đó là Ukraine phải trung lập, công nhận những vùng lãnh thổ mà nước này đã sáp nhập và phương Tây phải dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trong bối cảnh đó, khoảng dừng hiện tại cho phép mỗi bên củng cố vị thế quân sự, chính trị và ngoại giao như thường thấy trước mọi quá trình đàm phán quan trọng.
Trong khi đó, các kênh ngoại giao gián tiếp vẫn đang hoạt động. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định vai trò trung gian và sẵn sàng tổ chức đàm phán nếu được hai bên chấp thuận. Thụy Sĩ cũng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian và đăng cai tổ chức một hội nghị hòa bình giữa Nga và Ukraine, với kỳ vọng xây dựng được một khuôn khổ chung về hòa bình dựa trên các nguyên tắc quốc tế. Đáng chú ý, hiện có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của quốc tế đối với cuộc xung đột Nga- Ukraine, đó là hòa bình bền vững không thể ép buộc. Các nước đang tập trung vào việc tạo ra môi trường cho đối thoại nhằm hướng tới một tiến trình hòa bình bền vững và lâu dài.
Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)