Viện Phân tích Kinh tế - Xã hội và Chương trình Phát triển (ISAPR) mới đây đã gửi đề xuất tới Thủ tướng Mikhail Mishustin về việc áp dụng bắt buộc dán nhãn nội dung được AI tạo ra đối với cá nhân và pháp nhân, để chống lại deepfake và bảo vệ người dùng khỏi thông tin không đáng tin cậy. Hành vi vi phạm sẽ bị áp khoản tiền phạt tương tự như hình phạt đối với hành vi xử lý dữ liệu cá nhân bất hợp pháp, tức là lên đến 3% thu nhập theo luật hiện hành.
Thứ trưởng Alexander Shoitov cho biết hiện Bộ Phát triển kỹ thuật số, Truyền thông và Phương tiện truyền thông đại chúng của Nga, cùng với Cơ quan giám sát trong lĩnh vực tiêu dùng Roskomnadzor và các cơ quan hành pháp liên bang đang xem xét và nghiên cứu việc thiết lập các yêu cầu về dán nhãn nội dung được sản xuất và phân phối hợp pháp thông qua công nghệ thông tin, bao gồm cả công nghệ AI và thay thế kỹ thuật số ảnh và video của 1 người.
Ông Andrey Shurikov, Giám đốc Viện Phân tích Kinh tế Xã hội và Chương trình Phát triển cho rằng việc đưa ra các chuẩn mực lập pháp về việc dán nhãn bắt buộc sẽ không chỉ làm tăng mức độ truy xuất nguồn gốc của nội dung độc hại mà còn tăng trách nhiệm của những người sử dụng AI. Về mặt kỹ thuật, rất khó để theo dõi nguồn gốc ban đầu của deepfake, nhưng có thể dễ dàng xác định được những người lan truyền. Do đó, cần tập trung trừng phạt những người lan truyền, trong đó có cả những người đăng lại nội dung giả mạo, đặc biệt nếu điều này được thực hiện cố ý. Giới chuyên gia Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ xác minh nội dung, buộc các nền tảng phải nhanh chóng xóa các nội dung deepfake không được dán nhãn. Người dùng cần phân tích nội dung, không nên “mù quáng” chuyển tiếp các nội dung giật gân.
Theo một khảo sát vào cuối năm 2024, 63% người Nga đang sử dụng AI hàng ngày, trong đó 54 % coi công nghệ này "trợ lý". Tuy nhiên, chỉ có 19% đồng ý với việc triển khai AI trong nền kinh tế, 18% trong an ninh và 13% trong hành chính công. Bên cạnh đó, 77% số người được hỏi ủng hộ sự tham gia bắt buộc của con người vào việc đánh giá khía cạnh đạo đức các sản phẩm và giải pháp do AI tạo ra.
Tâm Hằng (TTXVN)