Ngại lái xe, cũng tốt!

Ngại lái xe, cũng tốt!
6 phút trướcBài gốc
Dù vậy, không ít người cũng cảm thán bày tỏ: Mức phạt cao khiến cho việc lái xe trở thành điều đáng ngại vì sợ vô ý mất tiền. Vậy, việc nhiều người ngại lái xe thì có phải vấn đề xã hội đáng lo ngại hay không?
Cơ hội cho giao thông công cộng
Thực ra, không phải đến khi Nghị định 168 ra đời, với mức phạt rất cao, thì người ta mới ngại lái xe, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Có rất nhiều lý do để ngại, lên xe, nổ máy mỗi ngày.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Đường tắc, nhích hàng tiếng đồng hồ trên con đường chỉ vài km trong giờ cao điểm. Rất ngại!
Tìm đỏ mắt không có chỗ đỗ xe. Cũng ngại!
Tất nhiên, với mức phạt bằng cả tháng lương cho một khoảnh khắc vô ý phạm lỗi thì sự e ngại cũng tăng lên rất nhiều. Với suy nghĩ của cá nhân tôi, tâm lý ngại ngần lái xe của người dân, thực ra là điều cần thiết đối với những thành phố ùn tắc vì quá tải hiện nay.
Vì biết ngại lái xe, người dân sẽ dành nhiều sự trân trọng hơn cho các loại hình giao thông công cộng. Một thành phố đông dân như Hà Nội, hay Sài Gòn, dù có mở rộng năng lực hạ tầng đến đâu đi chăng nữa, vẫn sẽ ùn tắc thôi, khi mà mỗi người dân đều chọn sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển. Khi ngại lái xe, thói quen lựa chọn phương tiện sẽ tự nhiên thay đổi.
Với cự ly gần, thay vì lười biếng lên xe ngồi, người ta sẽ lựa chọn đi bộ.
Với cự ly xa hơn, họ sẽ chọn taxi hoặc xe bus.
Khi sự lựa chọn của người dân chuyển dịch theo hướng đó, xe bus sẽ có cơ hội để phát triển, vì ít cạnh tranh diện tích mặt đường với phương tiện cá nhân, vì lượng hành khách dồi dào hơn.
Thay đổi thói quen di chuyển - giải pháp cho đô thị quá tải
Xe bus ở Hà Nội và Sài Gòn lâu nay không dễ sống. Với kích cỡ lớn, phải cạnh tranh đường với xe cá nhân, những chiếc xe bus không thể đi nhanh và trở thành biểu tượng của sự chậm chạp.
Thêm vào đó, với việc hai bên đường sát vỉa hè hầu như luôn bị chiếm làm chỗ đỗ xe thì xe bus thậm chí còn vô cùng khó khăn khi tiếp cận điểm dừng đỗ. Những chiếc xe bus, thậm chí còn bị định kiến coi là hung thần đường phố do các vụ va chạm khi ra vào điểm đón khách.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Khi người dân ngại lái xe, các hình thức di chuyển thay thế sẽ có cơ hội, không riêng gì xe bus. Nhu cầu đi bộ, đi xe đạp tăng sẽ khiến cho việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường khó được cảm thông hơn, trở nên chướng tai gai mắt hơn.
Điều đó sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của những người quản trị đô thị. Việc cho thuê vỉa hè, lòng đường làm chỗ trông giữ xe, hay bán hàng sẽ không thể thuyết phục được công chúng.
Lái xe là một hình thức di chuyển dễ chịu, hiệu quả. Và tôi tin rằng, dù ngại lái xe vì yếu tố khắt khe của luật pháp, thì chúng ta vẫn cứ lái xe khi đó là một lựa chọn dễ dàng. Nhưng khi luật pháp trở nên khắt khe hơn, chúng ta sẽ phải nghĩ nhiều hơn về sự lựa chọn.
Chắc chắn, nỗi e ngại sẽ khiến chúng ta, ít nhất, không còn lạm dụng phương tiện cá nhân nữa.
Chỉ cần bớt lạm dụng phương tiện cá nhân thôi, bớt việc lựa chọn mỗi người một chiếc xe ô tô để đi làm hàng ngày, thêm người thu xếp đi chung xe, thêm lựa chọn xe bus nếu tiện chuyến, thêm nỗ lực đi bộ trong phạm vi phù hợp... chắc chắn đường phố sẽ bớt ngột ngạt ùn tắc hơn.
Nghị định 168 có thể khá khắt khe về chế tài tài chính dẫn đến sự e ngại của người dân trong tùy chọn loại hình phương tiện. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi mà nỗ lực phát triển giao thông công cộng đang gặp phải rào cản từ tâm lý người dùng, thì sự e ngại sử dụng phương tiện cá nhân là cần thiết.
Có thể, khi những lựa chọn cách thức di chuyển khác thay phương tiện cá nhân đã trở thành thói quen mới, khi đó, chế tài tài chính sẽ không còn phải cần quá khắt khe.
Phạm Trung Tuyến/VOV Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ngai-lai-xe-cung-tot-post1153218.vov