Sông Lam bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang (Lào). Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Đến nay, trên sông Lam có 5 cây cầu vượt sông được xây dựng giúp kết nối 2 tỉnh. Trong ảnh: Cầu Bến Thủy I là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Lam, nối liền TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Cầu Bến Thủy I dài 630,5m, rộng 12m, gồm 13 nhịp, được khởi công xây dựng năm 1986 theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép; khánh thành năm 1990.
Việc đưa vào sử dụng cầu Bến Thủy I có ý nghĩa to lớn đối với giao thông vận tải trên toàn tuyến quốc lộ 1, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.
Trong suốt hàng chục năm qua, cầu Bến Thủy I trở thành cây cầu biểu tượng của người dân xứ Nghệ.
Đến nay, sau nhiều năm hoạt động, nhiều hạng mục của cầu Bến Thủy I đã có dấu hiệu xuống cấp. Cầu đã được tu sửa nhiều lần để đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện qua lại.
Cách cầu Bến Thủy I khoảng 1km là cầu Bến Thủy II. Đây là cây cầu thứ 2 nối đôi bờ sông Lam.
Cầu Bến Thủy II khởi công xây dựng ngày 14/3/2010, khánh thành ngày 7/9/2012 với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Cầu Bến Thủy II nối xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) với thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Cầu Bến Thủy II dài 1.000m, mặt cầu rộng 25m, có 4 làn xe cơ giới, quy mô thiết kế cầu vĩnh cửu, không hạn chế tải trọng. Cầu được đưa vào sử dụng nhằm giảm tải lượng phương tiện qua lại cầu Bến Thủy I.
Cầu Yên Xuân bắc qua sông Lam nối xã Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) với xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An), có tổng chiều dài 3,6 km, trong đó phần cầu gần 1,9km, đường dẫn hai đầu khoảng 1,4km, bề rộng 9m. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 2/10/2015, khánh thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 730 tỷ đồng. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, là cầu đường bộ thứ 3 nối đôi bờ sông Lam.
Dù không bắc qua địa phận Hà Tĩnh nhưng việc cầu Yên Xuân đi vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp kết nối người dân các xã vùng Nam của huyện Nam Đàn (Nghệ An) và các xã: Tùng Châu, Liên Minh, Trường Sơn, Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Do nằm trong khu vực địa hình tương đối thấp, mạng lưới đường bộ ít nên trước đây việc qua lại 2 tỉnh của người dân các xã này phải đi qua cầu đường sắt Yên Xuân bằng phương tiện xe thô sơ hoặc di chuyển vòng lên quốc lộ 1.
Cầu Yên Xuân giúp rút ngắn khoảng cách từ các huyện Hương Sơn, Đức Thọ và cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) với TP Vinh (Nghệ An), thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An và Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Cầu Cửa Hội có chiều dài 5,2 km, trong đó phần cầu chính dài 1,7km, rộng 18,5m, phần cầu dẫn dài 3,5km và rộng 16m. Cầu nối phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) với xã Đan Trường (huyện Nghi Xuân , Hà Tĩnh).
Dự án khởi công tháng 2/2019, có tổng đầu tư 950 tỷ đồng, khánh thành ngày 14/3/2021. Đây là cây cầu đường bộ thứ 4 bắc qua sông Lam, nối liền Nghệ An – Hà Tĩnh.
Cầu Cửa Hội sử dụng kết cấu dây văng đúc hẫng cân bằng Extradosed - một công nghệ thi công cầu hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu Cửa Hội đã góp phần cải thiện hệ thống giao thông khu vực Bắc Trung Bộ, đảm bảo QP-AN khu vực, kết nối với QL 8B, QL 1 và giảm tải giao thông trên QL 1.
Cầu Hưng Đức nằm trong dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cung đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). Cầu nối liền xã Hưng Thành (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Đây là cây cầu đường bộ thứ 5 bắc qua sông Lam.
Cầu Hưng Đức khởi công xây dựng năm 2022 với tổng mức đầu tư 1.371,3 tỷ đồng, hợp long tháng 3/2024. Cầu có tổng chiều dài gần 4,1 km với 90 nhịp, trong đó có 76 nhịp Super-T và 14 nhịp đúc hẫng. Mặt cầu rộng 17,5m với 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa, vận tốc thiết kế 80km/h.
Không chỉ vượt sông Lam, cầu Hưng Đức còn trải dài qua các bãi bồi, sông La, khu dân cư và cánh đồng lúa. Cầu đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và 2 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An).
Video: Những cây cầu “gắn kết” Nghệ An-Hà Tĩnh.
Ngọc Thắng - Sỹ Hoàng
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/ngam-5-cay-cau-bac-qua-song-lam-noi-nghe-an-ha-tinh-post285283.html