Lễ hội Tổng Nam Phù hàng năm diễn ra vào các ngày từ 11-13/4/2025, tức 14 - 16/3 âm lịch.
Các ngày lễ hội, hàng vạn người dân 9 xã 10 làng thuộc Tổng Nam Phù xưa, huyện Thanh Trì ngày nay vẫn tưng bừng mở hội ca ngợi công đức của hai vị công chúa.
Tương truyền từ thời Lý Thánh Tông, hai người con song sinh của ông là công chúa Lý Từ Thục và công chúa Lý Từ Huy không chịu lấy chồng mà rời cung đến chùa Tự Khoát tu tập.
Từ đó hai vị công chúa đồng thời dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cấy lúa… Đến nay, huyện Thanh Trì vẫn còn làng nghề nổi tiếng là bánh chưng Tranh Khúc.
Lễ hội Tổng Nam Phù, còn gọi là Lễ hội 9 xã 10 làng, là lễ hội truyền thống đặc sắc của huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội.
Lễ hội 9 xã 10 làng, bao gồm các làng: Đông Phù, Mỹ Ả, Đông Trạch, Văn Uyên, Tranh Khúc, Tương Trúc, Tự Khoát, Việt Yên, Mỹ Liệt (huyện Thanh Trì) và làng Ninh Xá (huyện Thường Tín).
Ngày nay do sáp nhập địa giới hành chính nên 10 làng của Tổng Nam Phù xưa hiện thuộc các xã: Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà (huyện Thanh Trì) và Ninh Sở (huyện Thường Tín).
Để tưởng nhớ công đức của nhị vị Bồ Tát, Nhân dân Tổng Nam Phù cùng dân các vùng lân cận cứ 5 năm tổ chức lễ hội chính một lần, những năm khác tổ chức hội lệ.
Ngày khai hội, tất cả đoàn rước của các chùa sẽ đến bến Tranh Khúc, xã Duyên Hà để làm lễ xin nước và rước về chùa hành lễ bao sái (lễ mộc dục). Ảnh: Rước kiệu bay.
Ngày chính hội 15/3 được mở màn bằng lễ rước kiệu võng nhị vị Bồ Tát và kiệu bát cống từ 3 chùa đi xuống lăng Liên Hoa.
Sau đó là ban hương án của nhị vị Bồ Tát và kiệu bát cống do các nam nữ thanh niên đảm nhiệm. Tiếp đó là ban tế nam, cờ thần, trống, chiêng, đội sinh tiền...
Từ sáng sớm, các đoàn rước kiệu của cả 3 chùa cùng lên đường trong tiếng chiêng, trống, hò reo của Nhân dân bên đường; đến ngã ba kho gạo Đông Mỹ thì nhập làm một, cùng đi xuống lăng Liên Hoa để đảnh lễ nhị vị Bồ Tát.
Hát văn tại lăng Liên Hoa là một phần không thể thiếu trong lễ hội
Đoàn rước lần lượt vào lăng và an vị hương án, kiệu bát cống và kiệu võng, sau đó làm thủ tục hành lễ yết cáo chư thần và rước kiệu về chùa Hưng Long. Buổi chiều, tiếp tục các hoạt động tế lễ, dâng hương.
Đoàn rước lên thuyền thực hiện nghi lễ lấy nước từ sông Hồng để làm nghi lễ tắm tượng tại chùa.
Thả đèn hoa đăng trên sông Hồng.
Sư Trụ trì các chùa thực hiện nghi thức lấy nước.
Đại diện các làng cùng tham gia nghi lễ lấy nước.
Rước nước về tắm tượng tại ba chùa là nghi thức quan trọng nhất trong ngày đầu khai hội.
Các nhà sư thực hiện nghi thức tắm tượng tại chùa Tự Khoát.
Các cụ cao tuổi tham gia đội nghi trượng
Sang ngày 16/3, tất cả các đám rước của 10 làng rước lên chùa Tự Khoát. Tại đây, các vị sư làm lễ tạ hội, sau đó đoàn rước làng nào về làng ấy.
Thư Vũ/VOV.VN