Ngắm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam thường xuyên đón siêu tàu quốc tế

Ngắm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam thường xuyên đón siêu tàu quốc tế
2 ngày trướcBài gốc
Đầu những năm 1990, trước thực trạng các cảng biển khu vực Đông Nam bộ gặp khó khăn trong tiếp nhận tàu lớn và hạ tầng kết nối quá tải, Trung ương đã chủ trương nghiên cứu xây dựng các cảng nước sâu. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được định hướng phát triển nhờ lợi thế địa hình sông sâu, rộng, ít bị bồi lắng và gần tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông.
Đến năm 2009, cụm cảng chính thức đi vào hoạt động, được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế phía Nam theo Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 do Thủ tướng phê duyệt.
Ngay trong năm đầu tiên, Cái Mép - Thị Vải đón chuyến tàu container 80.000 DWT từ châu Âu và châu Mỹ - đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam khai thác tuyến tàu quốc tế đi thẳng, không cần trung chuyển qua Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc).
Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất cả nước, giữ vai trò chiến lược trong hệ thống logistics quốc gia. Cảng thuộc địa bàn TP.HCM (sau hợp nhất), cách trung tâm thành phố khoảng 60km, cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý.
Cụm cảng nằm ở vị trí kết nối chiến lược giữa các trục giao thông biển - bộ - công nghiệp của miền Nam, liên thông với nhiều khu công nghiệp lớn như Phú Mỹ 3, Mỹ Xuân B1 - Conac, Cái Mép, Long Sơn, Châu Đức… và các trung tâm kinh tế lớn như Đồng Nai, "thủ phủ" công nghiệp Bình Dương, TP.HCM.
Cụm cảng có 24 dự án đang khai thác, tổng vốn đầu tư trên 55.000 tỷ đồng. Trong đó có 6 dự án bến tàu container với công suất thiết kế hơn 8,3 triệu TEU/năm. Năm 2024, sản lượng hàng hóa qua cụm cảng đạt khoảng 152 triệu tấn, chiếm gần 34% tổng lượng container cả nước. Khoảng 70% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam hiện được thông quan tại đây.
Điểm nổi bật của Cái Mép - Thị Vải là khả năng tiếp nhận tàu container siêu lớn, trọng tải đến 214.000 DWT, chở trên 24.000 TEU. Điều này cho phép hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ và châu Âu theo tuyến xuyên đại dương mà không cần dừng tại cảng trung chuyển. Chi phí bốc xếp, khai thác tại đây cũng chỉ bằng hơn một nửa so với nhiều cảng trong khu vực, giúp tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với các hãng tàu quốc tế.
Cụm cảng hiện có 22 tuyến vận tải biển đi Mỹ, 2 tuyến đi châu Âu và 10 tuyến nội Á - tăng gần 3 lần so với năm 2018. Năm 2023, cụm cảng lọt vào top 30 cảng container lớn nhất thế giới, đồng thời đón tàu OOCL Spain - một trong những siêu tàu container lớn nhất toàn cầu.
Đáng chú ý, trong tháng 6/2024, Cảng Cái Mép - Thị Vải được Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) và S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 7 toàn cầu trong Chỉ số hiệu suất cảng container (CPPI). Bảng xếp hạng này đánh giá dựa trên các tiêu chí như thời gian tàu cập - rời cảng, năng suất bốc dỡ, mức độ số hóa và quy mô tàu khai thác...
Vị trí thứ 7 đã đưa cụm cảng vượt qua nhiều cảng lớn trong khu vực như Yokohama (Nhật Bản( hạng 9, Hong Kong (Trung Quốc) - hạng 15 và Singapore hạng 17, góp phần khẳng định vị thế mới của ngành cảng biển Việt Nam trong chuỗi logistics toàn cầu.
Cách đây một năm, Cái Mép – Thị Vải đứng thứ 12 toàn cầu. Như vậy, cụm cảng này đã tăng 5 bậc trong vòng 12 tháng - phản ánh sự cải thiện rõ rệt về hiệu suất khai thác và chất lượng dịch vụ.
Theo các chuyên gia, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của cụm cảng trong giai đoạn phát triển mới - đặc biệt khi TP.HCM hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ - cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng kết nối. Trong đó, phát triển tuyến đường sắt kết nối Cái Mép - Thị Vải với mạng lưới đường sắt quốc gia được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm áp lực cho hệ thống đường bộ, đảm bảo luồng hàng vận hành thông suốt và bền vững.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/ngam-cang-nuoc-sau-lon-nhat-viet-nam-thuong-xuyen-don-sieu-tau-quoc-te-ar955890.html