Doanh nghiệp ngành xây dựng vạch hướng đi cho năm 2025
Thị trường xây dựng năm 2025 đón nhận những cú hích từ đầu tư công và tín hiệu nới lỏng tín dụng, song hiệu quả kinh doanh quý đầu năm cho thấy sức bật chưa như kỳ vọng. Các doanh nghiệp buộc phải thận trọng, cẩn trọng từng bước đi.
DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG ĐANG LÀM ĂN RA SAO?
Bức tranh lợi nhuận của ngành xây dựng trong quý 1/2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp lớn. Nhiều "ông lớn" trong ngành đang đối mặt với khó khăn về chi phí, lợi nhuận sụt giảm, trong khi một số khác vẫn giữ được đà tăng trưởng doanh thu, dù lợi nhuận không như kỳ vọng.
Quý 1/2025, Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (mã chứng khoán: VCG) đưa về 2.596 tỷ đồng doanh thu, giảm 59 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp chiếm phần lớn với 1.991 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp 179 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản 77 tỷ đồng; hoạt động giáo dục 76 tỷ đồng, còn hơn 272 tỷ đồng đến từ cho thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác.
Điểm sáng là phí tài chính giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước về mức 66 tỷ đồng. Còn chi phí bán hàng 20 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 80 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, VCG ghi nhận khoản lãi 151 tỷ đồng, giảm 69% so với quý 1/2024.
Tình hình Công ty Cổ phần Fecon (mã chứng khoán: FCN) cũng không mấy khả quan, chỉ ghi nhận 1 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1/2025, doanh thu bán hàng quý này của FCN là 821 tỷ đồng. Còn doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này tăng nhẹ 35 tỷ đồng lên 131 tỷ đồng.
Quý đầu năm 2025, chi phí tài chính của Fecon ở mức 5,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước là 9 tỷ đồng; chi phí bán hàng là 6,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 54 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã chứng khoán: C4G) ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ gần 17 tỷ đồng, lao dốc 59% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 508 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lại tăng mạnh lên 455,1 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 53,5 tỷ đồng.
Lý giải lợi nhuận giảm, Cienco4 cho biết, doanh thu bán hàng trong quý 1/2025 và cùng kỳ năm trước tương đương nhau, tuy nhiên, các hạng mục thi công trong quý 1/2025 có giá vốn tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh, liên kết trong quý I/2025 giảm nên phần lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết giảm 176,56%. Dẫn tới lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 giảm 59% so với cùng kỳ năm 2024.
Cái tên tiếp theo là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) quý 1/2025 doanh thu đạt 691 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2024. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, HBC có lợi nhuận sau thuế 5,3 tỷ đồng, giảm 90,5% so với con số 56,5 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2024.
Trong bức tranh ảm đạm đó, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) đã công bố báo cáo tài chính quý 3 năm tài chính 2025 (từ 1/1/2025 - 31/3/2025). Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 5.003 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 57 tỷ, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
NHỮNG KỲ VỌNG LỘT XÁC
Nhìn quý đầu năm vừa diễn ra, các doanh nghiệp ngành xây dựng có báo lãi nhưng không có sự đột phá. Dường như những doanh nghiệp này đang có chiến lược thận trọng nhưng đầy toan tính nhằm giữ vững vị thế và thích nghi với chu kỳ mới của ngành xây dựng.
Không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn "lột xác" với tư duy chiến lược dài hạn, đặt trọng tâm vào kiểm soát dòng tiền và nâng cao năng lực thi công.
Một trong những điển hình tiêu biểu cho sự chuyển mình này là Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex – "ông lớn" của ngành xây dựng Việt Nam. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, Vinaconex đã đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng với 15.500 tỷ đồng doanh thu và 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 118% và 108% so với năm 2024.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, kế hoạch 15.500 tỷ đồng doanh thu, VCG rất thận trọng, thậm chí doanh thu có thể vượt hơn, song quan điểm của ban lãnh đạo đảm bảo dòng tiền tài chính, công ăn việc làm ổn định. Nếu phát triển nóng quá, không thu được tiền, dẫn đến hệ lụy lớn.
Vinaconex xác định rõ ba trụ cột phát triển: xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính. Trong đó, lĩnh vực xây dựng tiếp tục là "xương sống", với chiến lược tập trung hoàn thành các dự án hiện hữu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Doanh nghiệp cũng đang dồn lực để mở rộng thị phần, đẩy mạnh đấu thầu các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn và các dự án FDI.
Không dừng lại ở đó, Vinaconex còn đang chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực từ tài chính, nhân sự cho tới thiết bị thi công để sẵn sàng tham gia vào các dự án quan trọng như đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc và các chương trình nhà ở xã hội. Song song, công tác quản lý công nợ, quyết toán dự án vẫn được siết chặt theo từng giai đoạn hoàn thành.
Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn "lột xác"
Ở mảng bất động sản, Vinaconex tiếp tục khai thác hiệu quả các tòa nhà văn phòng, hạ tầng khu công nghiệp; còn trong đầu tư tài chính, doanh nghiệp ưu tiên ổn định nguồn vốn, sẵn sàng tiếp sức cho những bước phát triển tiếp theo.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 cũng đưa ra một chiến lược tài chính thận trọng cho năm 2025. Cụ thể, doanh thu dự kiến của năm 2025 sẽ đạt 4.000 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với kế hoạch năm 2024 (4.500 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận sau thuế cũng được dự báo chỉ đạt 200 tỷ đồng, một con số thấp hơn so với năm trước.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Fecon lại đi theo hướng linh hoạt và hợp tác quốc tế. Với triết lý “không đi một mình”, Fecon xác định các dự án đều có đối tác đầu tư đi cùng, doanh nghiệp không đầu tư 100%.
Đối với các dự án bất động sản, TOD có quy mô lớn hơn 20.000 tỷ đồng, FCN chỉ đầu tư phần nhỏ hơn 50% và tham gia với vai trò điều hành, nguồn vốn chủ yếu từ nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2025, FCN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 565% so với kết quả thực hiện của năm 2024.
Một “ông lớn” khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mong muốn doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng trong năm 2025.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông năm 2025, lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, bên cạnh thị trường trong nước, doanh nghiệp có chiến lược phát triển ra thị trường quốc tế.
Nhìn thấy lợi thế cạnh tranh về giá, chất lượng, công nghệ hiện đại, chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực tại các thị trường như Mỹ, Úc, Campuchia, và một số nước Đông Phi như Kenya.
HBC đang tích cực đàm phán các thỏa thuận liên doanh tại Mỹ và Úc, đồng thời đã trúng thầu 4 dự án nhà ở xã hội trị giá 70 triệu USD tại Kenya trong năm 2024 và đang thương thảo triển khai.
Linh Phong