1. Trên đường phố, những ngôi nhà cũ xen lẫn mới, phong cách châu Âu xen giữa kiến trúc Ấn Độ, Trung Hoa, Hồi giáo, tạo nên bức tranh vui mắt. Đầu đường là ngôi chùa Trung Hoa cổ kính, đi thêm một đoạn là thánh đường Hồi giáo với chóp mái hình củ hành, cuối đường lại thấy đỉnh tháp Rajagopuram của Ấn Độ giáo.
Điểm đầu tiên chúng tôi muốn tham quan là thánh đường Hồi giáo, tôn giáo của hơn 60% người dân nước này. Thánh đường Hồi giáo Quốc gia Malaysia, còn gọi là Masjid Negara, được công nhận là di sản quốc gia, là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất nước này.
Xe đưa chúng tôi dừng trên đường Jalan Perdana, con đường xanh mát với những hàng cây cổ thụ cao vút, cùng lời chúc vui vẻ của bác tài. Tòa thánh đường uy nghi bề thế, với gam màu trắng chủ đạo, làm nổi bật màu xanh da trời của mái vòm hình ngôi sao 16 cánh, khác biệt với kiến trúc củ hành thường thấy. Cạnh đó là tháp cao 73 mét vươn thẳng lên trời xanh, cho tôi cảm nhận về sự táo bạo trong kiến trúc cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Trước khi vào bên trong, phụ nữ được hướng dẫn mặc áo thụng màu tím, kéo mũ che kín đầu tóc, chỉ được lộ khuôn mặt, bé gái thì dùng khăn trùm đầu và mặc thêm váy dài. Tất cả đều bỏ giày dép bên ngoài, đi chân không vào kèm lời dặn dò không được chụp hình, không được sờ vào các tượng thần, tranh ảnh.
Khuôn viên nhà thờ rộng 5,3 ha, gồm nhà nguyện chính có sức chứa lên đến 15.000 người, cùng các công trình phụ như hồ bơi, đài phun nước, các khu vườn… Tòa nhà đồ sộ với những bức tường dày và các trụ cột vững chắc, sàn lát đá hoa cương bóng loáng phản chiếu hệ thống đèn chùm kiểu cách trên trần. Độc đáo nhất là mái vòm được trang trí các ô kính màu xanh màu vàng lấp lánh. Tại đây có tình nguyện viên thuyết minh cho du khách về lịch sử cùng các thông tin liên quan đến ngôi thánh đường.
Điểm tiếp theo chúng tôi đến thăm là đền Sri Maha Mariamman, nằm trên khu phố Tàu nhộn nhịp. Đây là ngôi đền Hindu thiêng liêng và cổ kính nhất ở Malaysia, được thành lập năm 1873 bởi gia đình Pillai đến từ bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Ban đầu chỉ dành riêng cho họ tộc Pillai, đến năm 1920 thì mở cửa rộng rãi cho người dân. Năm 1968 ngôi đền được xây lại thay cho kiến trúc cũ, với các họa tiết bằng vàng và đá quý tinh xảo tạo nên vẻ nguy nga lộng lẫy. Kiến trúc này được giữ nguyên đến ngày nay.
Cổng đền sặc sỡ mang phong cách đặc trưng của các ngôi đền Nam Ấn, phía trên là tháp Rajagopuram cao 5 tầng, mỗi tầng có nhiều tượng thần Hindu. Cạnh bên cổng có nhiều quầy hàng bán hoa, trái cây kết chùm cho người dân cúng bái. Trước khi vào đền chúng tôi được hướng dẫn gửi giày dép ở một quầy nhỏ bên ngoài, thay bằng dép của họ. Qua khỏi cổng đền tiến vào bên trong thì thấy ngay khu chính điện. Phòng cầu nguyện là một không gian mở, trang trí bích họa cùng vô số tranh tường đẹp mắt, dọc hai bên lối đi có nhiều tượng điêu khắc các vị thần, tranh vẽ tường kể về các câu chuyện trong sử thi Ramayana.
Điện chính thờ nữ thần Mariamman, vị thần Mẫu của miền Nam Ấn Độ, trong tín ngưỡng của người Ấn, đây là vị thần giúp tiêu tan bệnh tật, giúp mưa thuận gió hòa, đem đến mùa màng bội thu, đồng thời phù hộ cho xóm làng, người dân. Phía bên ngoài điện có nhiều miếu nhỏ thờ các vị thần Hindu khác như thần Brahma, thần Ganesha...
Chúng tôi đến không trùng giờ lễ, nhưng vẫn có nhiều người Ấn lần lượt đem lễ vật đến cúng bái. Mâm lễ nào trông cũng đẹp mắt. Theo truyền thống, mâm lễ phải có các món để dâng lên các vị thần, dâng lên tất cả chúng sinh, nước rưới pha vừng dâng lên linh hồn người mất, và lễ vật thể hiện lòng hiếu khách. Mỗi lần có người đến cúng, thì một người đàn ông có tuổi đứng ra tiếp nhận, bài trí lên điện thờ rồi cùng thực hiện các nghi lễ trước các vị thần, sau đó xuống bên dưới quỳ đọc kinh khá lâu.
Tôi vừa dõi theo nghi thức cúng tế, vừa ngắm những phụ nữ Ấn trong các bộ sari đẹp mắt, người lớn tuổi mặc màu tối, còn các cô gái thì tươi tắn trong những gam màu sặc sỡ cùng nhiều trang sức quanh tay, quanh cổ. Họ ngồi giữa chính điện cầu nguyện, trông như một phần trang trí thêm cho vẻ lộng lẫy của ngôi đền.
2. Chúng tôi còn ghé thăm một ngôi đền Hindu khác ở động Batu, được xem là ngôi đền Hindu lớn nhất Malaysia. Nằm cách trung tâm khoảng 14 km, vốn có thể đi taxi, nhưng chúng tôi chọn trải nghiệm metro của thủ đô. Từ Bukit Bintang, chúng tôi đi hai chặng, đến ga KL Sentral, rồi đổi tuyến đến động Batu. Tàu chạy khá chậm, hành trình mất khoảng 40 phút, đoạn bên trong Kuala Lumpur thì ngầm dưới lòng đất, nhưng ra ngoại thành thì đi trên mặt đất. Tôi tranh thủ ngắm cảnh bên đường, nhiều cây xanh, nhà dân thưa thớt, khác hẳn với không khí náo nhiệt, đông đúc của thành phố.
Quần thể hang động Batu nằm bên trong núi đá vôi gồm 3 hang chính là hang Thờ, hang Triển lãm nghệ thuật, hang Tối cùng nhiều hang nhỏ khác. Truyền thuyết kể rằng nơi đây được thương gia Thambusami người Ấn Độ phát hiện vào thế kỷ XIX. Đến thế kỷ XX, khi chọn nơi thờ cúng các vị thần, nơi đây được xây dựng thành trung tâm tín ngưỡng của Hindu giáo, thu hút khách bởi kiến trúc đồ sộ cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân điêu khắc, tạo ra hàng ngàn bức tượng các vị thần Hindu sinh động đủ kích cỡ đặt khắp các hang, thể hiện tín ngưỡng cùng những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết của người Ấn. Khi chúng tôi đến, nơi đây đang mở rộng, vài năm tới chắc còn đồ sộ hơn nhiều.
Nổi bật nhất là tượng thần Subramaniam, còn gọi là chúa tể Murugan, vị thần quyền năng nhất của Ấn Độ giáo. Bức tượng cao 42,7m được sơn màu vàng lộng lẫy, đặt ở ngay chân cầu thang 7 màu, con đường rực rỡ đưa du khách vào hang Thờ cách mặt đất khoảng 100 mét. Cầu thang gồm 272 bậc, gồm 4 lối đi lên xuống. Ban đầu, cầu thang này cũng chỉ là phương tiện đi lại, không có gì đặc sắc, thế nhưng từ khi thay áo mới, được phủ lên nhiều màu sắc thì trở thành điểm check-in nổi tiếng. Tượng thần Subramaniam cùng cầu thang 7 màu là biểu tượng của động Batu trong các tranh ảnh thường thấy.
Có rất nhiều khỉ và chim bồ câu. Tôi thích thú ngắm hai mẹ con nhà khỉ ôm chặt nhau nhảy nhót trên các bậc thang sặc sỡ. Chúng khá dạn, giương đôi mắt to tròn ngắm du khách lên xuống. Và ấn tượng với đàn bồ câu ken đặc ở khoảng sân trước tượng thần Subramaniam. Tôi đã thấy bồ câu ở nhiều nơi, trước cổng nhà thờ Đức Bà nước ta, ở Bangkok, Singapore, Nhật Bản… nhưng chưa nơi nào nhiều như ở đây. Nhiều vô kể. Tôi rẽ vào mua túi thức ăn đem rải, lập tức đàn chim sà xuống, như một biển màu đen trắng cùng âm thanh gù gù vui tai.
Công trình tôn giáo tiếp theo chúng tôi đến thăm là chùa bà Thiên Hậu. Đây là ngôi chùa theo kiến trúc Trung Hoa, do cộng đồng người dân đảo Hải Nam di cư đến vùng đất này xây dựng, cũng là ngôi chùa thờ thánh mẫu Thiên Hậu lớn nhất ở Malaysia và Đông Nam Á. Ngôi chùa tọa lạc trên ngọn đồi Robson với diện tích 6.760 mét vuông, mở cửa đón khách thập phương từ năm 1989.
Lúc chúng tôi đến đã quá trưa, chung quanh thưa vắng không có hàng quán, nên vào tầng 1 tìm đồ ăn chay. Quá giờ nên thức ăn không còn, may mà mua được ít trứng gà luộc với mấy túi sữa đậu nành lót dạ để có sức lên tầng 4, là nơi thờ phượng chiêm bái. Ngôi chùa nổi bật với hai màu chủ đạo là vàng và đỏ, với các họa tiết trang trí cầu kỳ, thêm hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ rực treo san sát nhau, lung linh như trong phim cổ trang.
Chúng tôi lên đến nơi thì trời đổ mưa. Ngắm cảnh chùa qua màn mưa lất phất có phong vị riêng, vẻ rực rỡ giảm đi một chút bởi màu trời xam xám, màu nước trắng mờ, nhờ vậy mà điểm thêm chút gam màu hoài cổ. Tôi dầm mưa chụp vài tấm hình, thì một cô gái người Pháp đến nhờ chụp giúp. Tôi khá ngạc nhiên, vì thấy người phương Tây thường chụp cảnh chứ ít chụp người. Cô ấy có vẻ ngại giải thích vài câu, đại ý là cảnh đẹp quá nên muốn lưu kỷ niệm, tôi nói chụp hình vui mà. Cả hai cùng cười, đội mưa chụp cho nhau kha khá tấm hình xinh xắn.
Rời chùa bà Thiên Hậu, chúng tôi cũng chuẩn bị rời Kuala Lumpur. Chuyến đi ngắn nhưng cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị về xứ dầu cọ qua những chùa chiền, nhà thờ, đền tháp.
Hoàng Ngọc Thanh