Hàng năm, vào mùng 7 tháng Giêng, tại cánh đồng dưới chân núi Đọi, lễ hội Tịch điền lại diễn ra tưng bừng, tái hiện điển tích vua xuống ruộng đi cày có từ xa xưa. Trước đó 1 ngày, hội thi vẽ trang trí cho trâu cũng diễn ra sôi động, thu hút đông đảo họa sĩ và người dân
Hội thi vẽ trâu diễn ra vào mùng 6 Tết. Năm nay, hội thi quy tụ 20 họa sĩ và nhóm họa sĩ đến từ nhiều tỉnh thành. Những con trâu “tuyển”, khỏe mạnh, dáng đẹp, trở thành "giá vẽ" để các họa sĩ thỏa sức sáng tạo
Việc đánh giá, chấm điểm không chỉ dựa vào màu sắc họa tiết được vẽ trên thân trâu, mà còn cần nêu bật chủ đề con giáp của năm nay và thể hiện đúng tinh thần lễ hội
Với những góc nhìn, cách thể hiện khác nhau, mỗi họa sĩ tạo nên một tác phẩm độc đáo riêng
Họa sĩ Hoàng Trung Dũng (đến từ Thái Bình) cho biết: “Tham gia hội thi, tôi phải cẩn thận chọn màu vẽ thân thiện với da trâu để hạn chế gây ngứa ngáy, khó chịu cho trâu. Trong lúc vẽ phải điều chỉnh lực tay để màu bám đều”
Các họa sĩ trau chuốt, tỉ mỉ trong từng nét vẽ
Người dân ở Hà Nam gọi vui đây là những "nàng trâu" bởi chúng được chăm sóc kỹ lưỡng, "trang điểm" đẹp mắt
Bà Nguyễn Thị Đông, chủ trâu số 5 cho biết, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn thường chọn trâu cái tham gia do bản tính hiền lành, dễ điều khiển. Trong lúc vẽ, chủ trâu sẽ có mặt để giữ trâu, đảm bảo an toàn cho họa sĩ
Hội thi vẽ trang trí cho trâu từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, mang đến sắc màu mới mẻ và dấu ấn nghệ thuật đặc biệt cho lễ hội. Các con trâu đạt giải trong hội thi vẽ đã vinh dự được chọn để tham gia nghi lễ vào hôm nay (ngày 4/2, tức mùng 7 tháng Giêng)
Trọng Tùng