Đoạn cao tốc đi qua những khu rừng ngập mặn, cảnh quan tuyệt đẹp. Ảnh: Đinh Võ
Đoạn cao tốc này thuộc gói thầu A7 và một phần gói thầu A6, đi qua rừng ngập mặn xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) và Phước Thái (huyện Long Thành). Điểm đầu tại nút giao tuyến đường dẫn vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 51 (huyện Long Thành). Đây là tuyến đường huyết mạch giúp lưu thông hàng hóa đến cảng Phước An (cảng lớn nhất tỉnh Đồng Nai) sắp đi vào hoạt động.
Đoạn cao tốc bắt đầu từ nút giao với Quốc lộ 51. Ảnh: Đinh Võ
Và kéo dài đến nút giao tuyến đường dẫn vào cảng Phước An lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đinh Võ
Hiện trạng nút giao đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành với nút giao dẫn vào cảng Phước An. Ảnh: Đinh Võ
Trên đoạn tuyến này có cầu vượt sông Thị Vải. Cầu này dài 3,3km, là hạng mục khó khăn nhất của gói thầu A7 với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Võ
Hệ thống biển báo trên đoạn tuyến cao tốc này đã được hoàn tất. Ảnh: Đinh Võ
Tuyến đường đi vào hoạt động sẽ giúp kết nối lưu thông hàng hóa từ nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với cảng Phước An, góp phần phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Đinh Võ
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, đi qua tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cùng vốn đối ứng trong nước.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng là đoạn khép kín đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Đồ họa: ST
Trong đó, đoạn nhánh Đông của cao tốc này dài 28,7km, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh Tây Nam Bộ với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là kết nối sân bay Long Thành đến các tỉnh miền Tây.
An Tôn