Ngắm vườn bonsai lá kim theo phong cách Nhật Bản ở Phố núi Pleiku

Ngắm vườn bonsai lá kim theo phong cách Nhật Bản ở Phố núi Pleiku
2 ngày trướcBài gốc
Một góc nhỏ trong khu vườn mang vẻ đẹp tĩnh lặng, yên bình bởi sự sắp đặt khéo léo các yếu tố trên tinh thần thuận theo tự nhiên. Ảnh: Sơn Ca
Vườn bonsai lá kim của ông Nguyễn Đức tọa lạc tại hẻm 719 Trường Chinh, TP. Pleiku. Ngay khi đặt chân vào khu vườn này, vẻ đẹp tĩnh lặng của những chậu bonsai lá kim khiến cho người tham quan dường như quên mất những ồn ào, náo nhiệt của thế giới bên ngoài.
Những tia nắng sớm trên cao nguyên Pleiku đang chạm khẽ từng cành cây, ngọn cỏ. Ảnh: Sơn Ca
Một góc vườn mang màu sắc phong cách Nhật Bản thể hiện qua từng chi tiết, bố cục bài trí. Ảnh: Sơn Ca
Không gian thờ Phật được bài trí một cách trang nghiêm và tinh tế. Ảnh: Sơn Ca
Những bức thư pháp tạo điểm nhấn văn hóa trong tổng thể không gian chung. Ảnh: Sơn Ca
Trong nắng sớm cao nguyên Pleiku, một góc vườn mang phong cách, tinh thần, văn hóa Nhật Bản hiện hữu sống động. Từ không gian thờ Phật trang nghiêm, đến dòng nước chảy êm ả nhẹ nhàng lượn quanh bờ đá, hướng tầm nhìn về phía núi xa xa.
Trên nền diện tích vườn tầm 4.000 m2, ông Nguyễn Đức đã thiết kế, bố trí một số khu vực, phối cảnh với nền tảng chất liệu khác nhau để tạo hiệu ứng về mặt thị giác, kết nối thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo tinh thần tổng thể chung.
Mỗi một chi tiết, màu sắc, thiết kế từ khung chậu, giá đỡ đều được tính toán cẩn thận. Ảnh: Sơn Ca
Mỗi chậu bonsai lá kim mang một vẻ đẹp và sức hút khác nhau. Ảnh: Sơn Ca
Mỗi khu vực bài trí từng loại bonsai lá kim theo chủng loại, kích cỡ khác nhau. Ảnh: Sơn Ca
Mỗi loại bonsai lá kim mang dáng vẻ độc đáo riêng biệt. Ảnh: Sơn Ca
Đá là phụ kiện, chi tiết đi kèm trong thiết kế vườn phong cách Nhật Bản. Ảnh: Sơn Ca
Khu vực trưng bày bonsai được phân chia theo kích cỡ tiểu, trung, đại. Ảnh: Sơn Ca
Từ bố trí khu vực đồi núi để phân tầng chênh lệch độ cao, đan xen giữa đá và các loại cây lá kim chủ đạo đến các khu vực bài trí bonsai theo nhóm, theo chủng loại, theo kích cỡ tiểu-trung-đại.
Ông Nguyễn Đức là một trong số ít người chơi tiên phong nhập một số dòng bonsai lá kim có xuất xứ từ Nhật Bản, Đài Loan về Phố núi Pleiku. Bên cạnh các dòng cây bonsai lá kim đã thuần dưỡng và trồng lâu năm tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức đang chơi một số loài thông Nhật Bản như thông gấm, thông kotobuki (lai đột biến từ giống thông đen và thông đỏ), thông đỏ, thông đen, diên tùng Đài Loan, Ytogawa, kisu, ngọa tùng Việt Nam…
Hình dáng khác biệt là sức hút của một tác phẩm bonsai. Ảnh: Sơn Ca
Ông Nguyễn Đức bên một chậu bonsai lá kim đạt các chỉ số tiêu chuẩn. Ảnh: Sơn Ca
Vẻ đẹp của những đường nét uốn lượn tự nhiên trên một tác phẩm bonsai. Ảnh: Sơn Ca
Một loại bonsai có hình dáng thân cây kỳ lạ. Ảnh: Sơn Ca
Một loại bonsai lá kim có thân vảy độc đáo, kỳ lạ. Ảnh: Sơn Ca
Mỗi chậu bonsai lá kim là một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Sơn Ca
Mỗi dòng bonsai lá kim nhập từ Nhật Bản, Đài Loan về cần từ 6 tháng đến 1 năm để thuần dưỡng, thích ứng với điều kiện môi trường, khí hậu tại Pleiku, Gia Lai. Đồng thời, đa phần cây cần thêm rất nhiều năm để nuôi dưỡng, tạo tác, chăm sóc cho đến khi trở thành một tác phẩm bonsai hoàn chỉnh, đạt các chỉ số tiêu chuẩn của bonsai quốc tế.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm học hỏi, thực hành và niềm đam mê bộ môn bonsai, ông Nguyễn Đức cho rằng, bonsai lá kim rất phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu tự nhiên của Phố núi Pleiku. Một điểm cần lưu ý, chơi bonsai lá kim quan trọng nhất là nắm vững về mặt kỹ thuật. Các yếu tố về môi trường, nguồn nước, đất, phân bón đều phải sạch, được xử lý đúng quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh lâu dài.
Bonsai lá kim sinh trưởng thuận lợi trong điều kiện môi trường, khí hậu trong lành tại Pleiku. Ảnh: Sơn Ca
Một góc vườn bonsai lá kim. Ảnh: Sơn Ca
Một góc vườn bonsai lá kim theo phong cách Nhật Bản. Ảnh Sơn Ca
Sức hút thầm lặng của bonsai lá kim đến từ sự đa dạng về chủng loại, hình dáng, kích cỡ, vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của thân cây. Thậm chí, một số loài bonsai lá kim như thông gấm còn tiết ra hương thơm đặc trưng về chiều tối với bộ vẩy, bộ lá mang vẻ đẹp khác biệt.
Không phải ngẫu nhiên mà Phố núi Pleiku được mệnh danh là thành phố ngủ ngon nhất Việt Nam. Điều kiện tự nhiên về độ cao, khí hậu mát mẻ trong lành của thành phố cao nguyên không chỉ là môi trường lý tưởng cho sức khỏe con người mà còn là điểm chung cần thiết để nuôi dưỡng, thuần hóa và phát triển các loại cây lá kim và nghệ thuật bonsai lá kim, mang đến sự đa dạng về văn hóa nghệ thuật của thú chơi tao nhã lâu đời này.
SƠN CA
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/ngam-vuon-bonsai-la-kim-theo-phong-cach-nhat-ban-o-pho-nui-pleiku-post316805.html