Nhà trường đóng vai trò quan trọng
Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình và đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Không thể quy kết trách nhiệm cho 1 đối tượng cụ thể, song, nhà trường được đánh giá vai trò quan trọng trong việc góp phần ngăn chặn bạo hành xảy ra đối với học sinh.
Theo đó, nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học.
Thông qua giáo viên giảng dạy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm có thể nắm bắt được hoàn cảnh gia đình của học sinh, tình trạng cuộc sống của học sinh cũng như sự an toàn về mặt thân thể của học sinh trong gia đình. Có thể thấy, điều quan trọng là người giáo viên cần có lòng yêu nghề, yêu trẻ, có sự quan tâm đến học sinh thân yêu.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động ngoại khóa giáo dục giới tính, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân. Ảnh: Anh Thư - Phong Linh
Tại trường THCS Nguyễn Tất Thành, có hơn 1.200 học sinh với tỷ lệ học sinh nữ chiếm hơn 47%. Trong đó, nhiều học sinh của trường có bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà, một số em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không trọn vẹn. Chính vì thế, ngoài việc giáo dục kiến thức văn hóa, trường đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục giới tính, chú trọng phòng chống bạo lực trong nhà trường.
“Phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi thường xuyên theo sát tình hình của học sinh, để kịp thời đồng hành, chia sẻ, giúp các em tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc. Từ đó, khoảng cách giữa giáo viên, học sinh cũng được rút ngắn, môi trường lớp học cũng trở nên gần gũi, ấm áp hơn” - Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Từ các hoạt động bổ ích hấp dẫn, nhiều năm gần đây, Trường THCS Nguyễn Tất Thành đã xây dựng được môi trường học tập thân thiện, không xảy ra bạo lực học đường. Chất lượng giáo dục cũng từng bước được cải thiện. Năm học 2023 - 2024, điểm trung bình 3 môn kỳ thi vào lớp 10 THPT của trường xếp thứ 24 toàn tỉnh, tăng 43 bậc so với năm trước.
Tăng cường các chương trìnhngoại khóa
Việc tổ chức các chương trình giáo dục ngoại khóa học sinh về phòng chống bạo lực là rất cần thiết hiện nay bởi tình trạng bạo lực học đường và bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung đang xảy ra thường xuyên với mức độ rất nghiêm trọng.
Thông qua các chương trình ngoại khóa, học sinh sẽ được cung cấp những hiểu biết về những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường như tính chất phạm pháp, vi phạm đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng của những hành vi bạo lực; hành vi bạo lực là hành vi cần phải lên án và cần chung tay ngăn chặn, đẩy lùi; quyền được bảo vệ về nhân phẩm, danh dự, thân thể, tính mạng.Buổi sinh hoạt ngoại khóa về giao lưu, đối thoại sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên ở Trường THCS Nguyễn Tất Thành đã thu hút hơn 1.200 học sinh tham gia.
Tại buổi giao lưu, các em đã có thêm những hiểu biết cơ bản về giới tính, kiến thức, sự phát triển tâm sinh lý tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản vị thành niên, vấn đề tình bạn, tình yêu, vấn đề quan hệ tình dục không an toàn cùng các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường quan hệ tình dục, phòng tránh HIV/AIDS… Đó là cẩm nang giúp các em học sinh tự tin chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ bản thân và có những ứng xử khéo léo, hợp lý trong cuộc sống hàng ngày.
Hoạt động ngoại khóa trên được nhà trường kết hợp với Trung tâm Y tế huyện, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức, là cách tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục giới tính cho học sinh. Qua đó, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường học đường lành mạnh.
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục giới tính, ngăn ngừa bạo lực xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái qua hoạt động đối thoại được tổ chức thường niên, Trường THCS Nguyễn Tất Thành cũng lồng ghép vấn đề tuyên truyền giáo dục giới tính qua một số một giờ học ở bộ môn sinh học và giáo dục công dân. Trường còn thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường với sự tham gia của Ban Giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội và các giáo viên chủ nhiệm.
Với sự đồng hành, chia sẻ của các giáo viên nhà trường, thời gian qua, nhiều học sinh đã được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Ý thức về quyền của bản thân nâng cao rõ rệt và biết lên tiếng phản đối, tố cáo khi nhân phẩm và thân thể bị xâm hại, bị bạo hành. Có học sinh đã vượt qua những biến cố về tâm lý, những nỗi đau do ảnh hưởng của bạo lực gia đình để tiếp tục vươn lên học tập tốt.
Việc duy trì và tăng cường các hoạt động tập thể, ngoại khóa ngoài giờ không chỉ tạo gắn kết giữa học sinh trong, còn định hướng xây dựng những giá trị nhân văn sâu sắc như yêu thương, tôn trọng sự khác biệt và sáng tạo, góp phần ngăn ngừa bạo lực học đường và xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện.
Hoàng Yến