Những năm gần đây, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để lao động nói chung, công dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT địa phương… Chỉ tính riêng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 4 công dân tử vong trong các casino ở Campuchia, trong số này, hầu hết nạn nhân đều xuất cảnh trái phép.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.000 công dân đang cư trú, lao động trái phép tại nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Campuchia (giảm khoảng 30% so với đầu năm 2024). Đáng chú ý, thời gian gần đây, tình trạng công dân bị các đối tượng dụ dỗ, đưa sang Campuchia làm việc trong các sòng bài, các cơ sở chuyên hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ lụy khó lường.
Nhóm đối tượng của Ngụy Phan Kiên và Trần Hoàng Minh cư trú bất hợp pháp ở Campuchia, kết hợp các đối tượng trong nước thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Năm 2024, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, lực lượng Công an Thanh Hóa đã phát hiện, khởi tố điều tra, xử lý 6 vụ, 12 bị can về các tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; ngăn chặn hơn 21 vụ, 52 trường hợp bị lôi kéo đang chuẩn bị xuất cảnh trái phép; phối hợp bảo hộ, tiếp nhận 22 trường hợp công dân bị lừa bán sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc, bị khống chế, đòi tiền chuộc…
Đơn cử, vào cuối tháng 12/2024, Công an huyện Như Xuân đã điều tra làm rõ, tiến hành bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 10 tỷ đồng do Giang Đình Lộc (SN 1998); Nguyễn Trường Thanh (SN 1989); Phạm Phương Đông (SN 1998), đều ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và Lê Văn Long (SN 1988), ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thực hiện. Các đối tượng khai báo, từ tháng 5/2024, bọn chúng rủ nhau sang Campuchia thuê nhà để hoạt động lừa đảo. Chúng mua các số điện thoại rác (không chính chủ), sắm các thiết bị, mua, lập và thuê chạy quảng cáo các trang Facebook có tên “Huỳnh Văn Trung”, Nguyễn Gia Long”… Đồng thời, chúng móc nối liên kết với các nhóm lừa đảo khác để rửa tiền.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Công an huyện Như Xuân cũng khởi tố, bắt tạm giam Ngụy Phan Kiên (SN 1987), ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để điều tra về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Lan Anh (SN 1999), ở xã Tam Hưng, xã Thủy Nguyên, Hải Phòng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Trần Hoàng Minh (SN 1991) và Hoàng Trọng Cường (SN 1989) đều ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang về tội “Rửa tiền”. Nhóm đối tượng này do Ngụy Phan Kiên và Trần Hoàng Minh cầm đầu, thuê trọ ở Campuchia, mua sắm thiết bị mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 70 tỷ đồng.
Xác định thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tăng cao, các đối tượng môi giới sẽ lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo đưa người xuất cảnh trái phép tại nước ngoài với các chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống hoạt động xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia và các nước dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở một mặt đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả, tác hại và những rủi ro có thể xảy ra với người lao động khi xuất cảnh trái phép; vận động các gia đình có người thân đang lao động trái phép nhanh chóng trở về địa phương. Mặt khác, tham mưu và phối hợp cơ quan chức năng thực hiện tốt các giải pháp căn cơ để chủ động phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng xuất cảnh lao động trái phép tại nước ngoài như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại địa phương cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xuất khẩu lao động, phối hợp tổ chức các sự kiện “Ngày hội giới thiệu việc làm” để kết nối doanh nghiệp với người lao động… nhằm hạn chế tình trạng thiếu việc làm, là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng xuất cảnh lao động trái phép.
Với mục tiêu “Không để phát sinh trường hợp mới xuất cảnh trái phép”, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, vừa làm tốt công tác quản lý số người lao động trái phép trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, vừa chủ động tăng cường lực lượng xuống cơ sở phối hợp với lực lượng Công an và cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành rà soát, thống kê nắm tình hình liên quan đến công dân xuất cảnh trái phép trên địa bàn; xác định số đối tượng có dấu hiệu lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép để kịp thời đấu tranh bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến nay, sau 1 tháng triển khai thực hiện cao điểm, Công an tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính 9 vụ, 9 trường hợp về hành vi qua lại biên giới không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn 3 vụ, 8 trường hợp chuẩn bị xuất cảnh trái phép đi lao động nước ngoài…
Để phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài, cùng với sự nỗ lực của lực lượng Công an và chính quyền địa phương, người dân cũng cần nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Trần Thắng