Vi phạm phổ biến
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi buổi chiều, hành lang ATGT quốc lộ (QL) 17, đoạn qua KCN Song Khê - Nội Hoàng, thuộc địa phận phường Nội Hoàng (TP Bắc Giang) lại xuất hiện chợ cóc với hàng trăm gian hàng, từ rau quả, thực phẩm đến sản phẩm thời trang, đồ gia dụng. Hàng hóa bày xuống cả lòng đường, người dân túm tụm chọn mua khiến giao thông tại đây thường xuyên bị cản trở. Đặc biệt, các loại quần áo được bày bán có giá rất rẻ, chỉ từ vài chục đến hơn 100 nghìn đồng/chiếc. Hỏi về nguồn gốc những sản phẩm này, các chủ hàng ở đây từ chối trả lời hoặc nói tự sản xuất, trong khi nhiều loại quần áo có treo mác ghi bằng chữ nước ngoài.
Một quầy hàng ven QL 17, đoạn qua KCN Song Khê - Nội Hoàng.
Không chỉ ở khu vực trên, quan sát hành lang ATGT nhiều tuyến QL, đường tỉnh (ĐT) như: Đường Võ Văn Kiệt, đoạn gần KCN Vân Trung; đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua phường Tăng Tiến (cùng thị xã Việt Yên); ĐT 293 (đoạn qua TP Bắc Giang) hay một số khu vực thương mại - dịch vụ thuộc các tổ dân phố My Điền, Hoàng Mai 3 cùng phường Nếnh (thị xã Việt Yên)… đều thấy nhiều sạp hàng, quầy hàng lưu động trên vỉa hè. Có tiểu thương còn dựng lều, sạp tạm hoặc che ô bày bán hàng trên thùng xe tải để dễ thu dọn, “tẩu thoát” mỗi khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra.
Các sản phẩm được bày bán chủ yếu là quần áo, chăn ga, gối đệm, giầy dép, đồ gia dụng… Tìm hiểu được biết, tiểu thương bán hàng tại những khu vực trên ngoài ở trong tỉnh còn có nhiều người đến từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và một số tỉnh khác. Các điểm bán hàng tuy khác vị trí, chủng loại sản phẩm nhưng cùng có điểm chung là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá... và đều được bán với giá rất rẻ.
Trước tình trạng này, Ông Dương Văn Chiến, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam nhìn nhận, các hoạt động buôn bán tại vỉa hè, lòng đường, ven các tuyến giao thông ngoài gây cản trở giao thông, thiếu văn minh, minh bạch thị trường, gây nguy cơ mất VSATTP còn khiến các chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tự chọn… không thể phát triển vì bị cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Nhà nước thì thất thu thuế, gây bất ổn thị trường. Sở dĩ hoạt động buôn bán các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, hàng hóa giá rẻ vẫn tồn tại trên các tuyến giao thông, ven các KCN của tỉnh, nơi tập trung đông người và ngày một diễn biến phức tạp là do lợi nhuận nên tiểu thương bất chấp quy định pháp luật, cố tình phạm pháp kiếm lời.
Siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm
Xác định dịp cuối năm 2024 và cận Tết Nguyên đán 2025, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp nên ngay từ cuối tháng 10/2024, Ban Chỉ đạo 389 và Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã có kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ (thời gian thực hiện từ 1/11/2024 đến hết ngày 1/3/2025).
Đội QLTT số 1 phối hợp lực lượng công an kiểm tra một hộ kinh doanh tại TP Bắc Giang.
Thực hiện kế hoạch, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng công an kiểm tra, xử lý 149 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu và tiêu hủy gần 3 tỷ đồng. UBND thị xã Việt Yên tăng cường kiểm soát, dẹp bỏ nhiều hàng quán, xe lưu động buôn bán trái phép dọc tuyến đường gom cao tốc qua địa bàn các phường: Quang Châu, Vân Trung, Nếnh, Tăng Tiến.
Từ tháng 11/2024 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng công an kiểm tra, xử lý 149 vụ vi phạm trong kinh doanh thương mại với tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu và tiêu hủy gần 3 tỷ đồng.
Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý hàng nhái, không rõ nguồn gốc, hàng hóa giá rẻ đã được lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm, xử lý nhưng hoạt động buôn bán các loại hàng hóa này vẫn diễn ra. Bởi khi lực lượng chức năng thị xã Việt Yên kiểm tra thì các tiểu thương di chuyển quầy hàng sang địa bàn TP Bắc Giang và các địa phương lân cận. Ngược lại, khi phía TP Bắc Giang siết chặt quản lý, các đối tượng lại sang thị xã Việt Yên và địa bàn xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Trưởng phòng Kinh tế TP Bắc Giang cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP, Đội QLTT số 1, UBND phường Nội Hoàng, Song Khê, Tiền Phong và lực lượng công an để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm tại chợ cóc ven QL 17, đoạn qua TP. Qua đó, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tiểu thương lợi dụng thời điểm mới sáp nhập huyện Yên Dũng về TP Bắc Giang hoạt động buôn bán, họp chợ trái quy định.
Để bảo đảm lành mạnh thị trường, tạo cạnh tranh công bằng, chống thất thu thuế Nhà nước, ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, đơn vị đang tăng cường nhân lực, đẩy mạnh kiểm tra việc sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa trên các lĩnh vực, tập trung vào các mặt hàng bị cấm, nhập lậu, giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử; vi phạm nguồn gốc, xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật gây bất ổn thị trường…
Bên cạnh giải pháp trên, để ngăn ngừa hiệu quả nạn bán hàng nhái, hàng giả ven các tuyến giao thông, KCN, đề nghị lực lượng chức năng các địa phương phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, xử lý, không để tái diễn tình trạng địa phương này kiểm tra thì chạy sang địa phương kia. Đối với các trường hợp tái vi phạm cần xử lý kịch khung để răn đe, làm gương. Về phía người tiêu dùng, nên chọn mua hàng tại những địa chỉ uy tín, đừng vì ham rẻ mà bỏ tiền thật mua hàng giả.
Bài, ảnh: Thế Đại