Ngăn chặn hành vi bạo lực, côn đồ khi tham gia giao thông

Ngăn chặn hành vi bạo lực, côn đồ khi tham gia giao thông
20 giờ trướcBài gốc
Tài xế ô tô hành hung người đàn ông chở con ở Bình Dương. (Ảnh cắt từ clip)
Gia tăng tình trạng ẩu đả, hành hung sau va chạm giao thông
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình trạng ẩu đả, hành hung sau va chạm giao thông liên tiếp xảy ra, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng này, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc, khởi tố điều tra và tạm giam một số đối tượng vi phạm nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi bạo lực.
Mới đây, tại TP Dĩ An (Bình Dương) diễn ra vụ việc tài xế ô tô có hành vi côn đồ rồi bỏ trốn. Theo thông tin ban đầu, sáng 31/3, ô tô do nghi phạm N.T.H (40 tuổi, quê Nghệ An) điều khiển suýt va chạm với một xe máy tại khu dân cư Đông Thành. Sau khi xảy ra cự cãi, H đã lấy gậy bóng chày từ cốp xe, tấn công liên tiếp vào vai người điều khiển xe máy, khiến người đàn ông này và con gái phải nhảy khỏi xe máy để tránh.
Gây án xong, đối tượng lái xe bỏ trốn về hướng miền Trung. Đến địa phận thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), H bị lực lượng chức năng bắt giữ và di lý về Bình Dương để phục vụ điều tra. Hiện, nghi phạm đang bị tạm giữ hình sự để làm rõ các hành vi có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Theo truyền thông đưa tin, tại cơ quan công an, H khai nhận: “Tôi đã xuống xe, lấy gậy bóng chày từ cốp và đánh người đi xe máy. Sau đó tôi đi uống cà phê cùng vợ rồi trở về Nghệ An”.
Vụ việc trên một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn khi va chạm giao thông. Đáng lên án hơn, trong trường hợp này, dù chưa xảy ra va chạm, tài xế vẫn ngang nhiên sử dụng hung khí tấn công người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.
Giải pháp giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hoàn toàn
Nhìn vào những vụ ẩu đả, hành hung sau va chạm giao thông thời gian qua cho thấy, bạo lực không còn đơn thuần là phản ứng bộc phát mà đang dần được xem như một “quy trình giải quyết” mâu thuẫn. Thay vì đối thoại để tháo gỡ xung đột, nhiều trường hợp lại nhanh chóng chuyển biến thành hành vi côn đồ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều đáng lo ngại hơn là dù hệ thống pháp luật hiện hành đã có đầy đủ quy định để xử lý các hành vi vi phạm, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với sự vào cuộc kịp thời và xử lý nghiêm của cơ quan chức năng nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, bất chấp hậu quả pháp lý. Thực trạng này đặt ra bài toán: Làm thế nào để từng bước giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hoàn toàn thói côn đồ khi tham gia giao thông?
Trả lời phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội hiến kế, trước tiên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về pháp luật và văn hóa giao thông. Điều này giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ các quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông, những hành vi bị cấm cũng như hậu quả pháp lý nếu vi phạm. Chú ý, công tác tuyên truyền, giáo dục không chỉ thực hiện với người lớn, mà cần chú trọng ngay với học sinh, để tạo nền tảng ý thức bền chắc từ gốc rễ.
Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là hệ thống camera giám sát giao thông, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Khi các vụ va chạm được ghi lại, người tham gia giao thông sẽ có ý thức cẩn trọng hơn, hạn chế các hành vi bạo lực hoặc vi phạm pháp luật. Đồng thời, cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân chủ động tố giác vi phạm và cung cấp bằng chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác minh, xử lý.
Trên thực tế, nhiều vụ việc xuất phát từ người khác quay được video, hoặc trích xuất camera hành trình của phương tiện khác, rồi đăng tải lên mạng xã hội, từ đó cơ quan điều tra vào cuộc xử lý quyết liệt. “Đây là nguồn thông tin rất quan trọng”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Linh Chi
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/ngan-chan-hanh-vi-bao-luc-con-do-khi-tham-gia-giao-thong-post544262.html