Hệ thống kiểm soát hóa đơn điện tử của cơ quan thuế. Ảnh: N.Liên
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm hóa đơn, ngành thuế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường ngăn chặn, phòng chống gian lận hóa đơn điện tử nhằm trốn thuế và trục lợi tiền hoàn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Điện thoại mời mua hóa đơn
Không còn rầm rộ rao bán hóa đơn trên các kênh mạng xã hội, website…, nhiều đối tượng bán hóa đơn BHP đã điện thoại trực tiếp để giới thiệu, mời gọi người mua. Bà Trần Thị Thúy, người đại diện pháp luật cho một doanh nghiệp (DN) nhỏ tại thành phố Biên Hòa cho biết, công ty của bà thành lập được 3 năm và chưa phát sinh giao dịch do còn đang trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ khi thành lập tới nay, bà Thúy nhận được nhiều cuộc điện thoại mời gọi mua hóa đơn để thực hiện các hành vi gian lận thuế.
Bên cạnh việc nhận được lời mời mua bán hóa đơn BHP, nhiều DN trong quá trình hoạt động giao dịch cũng gặp không ít rắc rối khi bị phát hiện sử dụng hóa đơn từ các đơn vị cung cấp có dấu hiệu rủi ro. Tình trạng sử dụng hóa đơn của các DN có dấu hiệu rủi ro thường rơi vào các giao dịch dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, quảng cáo sản phẩm… có mệnh giá hóa đơn thấp nhưng để lại hậu quả lớn nếu bị phát hiện có dấu hiệu rủi ro.
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Viện cho biết, trường hợp trốn thuế số tiền từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị ngành thuế chuyển ngành công an để điều tra tội “Trốn thuế” theo Bộ luật Hình sự. Đối với hành vi mua, bán hóa đơn BHP để trục lợi có giá trị từ 30-100 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, kế toán một công ty chuyên về cung cấp các dịch vụ vận tải, tổ chức sự kiện cho biết, do nhu cầu đưa khách đi nhiều nơi, nhiều khách theo dạng trọn gói bao gồm xe, ăn uống, nghỉ dọc đường trong nhiều ngày, mỗi nơi đưa khách đến sử dụng dịch vụ ông Chương đều yêu cầu xuất hóa đơn và được đối tác đồng ý. Tuy nhiên, một thời gian sau, nhân viên ngành thuế kiểm tra phát hiện đây là hóa đơn có dấu hiệu rủi ro, đơn vị xuất hóa đơn đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Vụ việc này khiến cho công ty của ông Chương phải chịu phạt vì sử dụng hóa đơn BHP.
Ông Trần Quảng Ninh, Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc sử dụng hóa đơn của DN bỏ địa chỉ kinh doanh và mua bán hóa đơn hiện đang là vấn đề “nóng”. Việc sử dụng hóa đơn BHP không chỉ khiến DN bị ảnh hưởng mà ngành thuế cũng khó khăn trong quản lý hóa đơn, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Do đó, ngành thuế đang đẩy mạnh quản lý, tuyên truyền vận động người dân, DN nâng cao ý thức, kiến thức và cảnh giác trong các giao dịch có yêu cầu sử dụng hóa đơn để tránh các trường hợp mua nhầm hóa đơn từ các DN có dấu hiệu rủi ro.
Siết quản lý các hóa đơn có dấu hiệu rủi ro
Từ năm 2023, nhiều vụ việc vi phạm thuế liên quan đến sử dụng hóa đơn BHP đã bị phát hiện và xử lý. Để hỗ trợ các DN nhận biết dấu hiệu rủi ro, ngành thuế đã công khai tên, địa chỉ các DN “ma”, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khi phát hiện, thậm chí có nhiều chủ DN đã bị xử lý hình sự vì sai phạm.
Nhân viên ngành thuế xử lý thủ tục thuế online. Ảnh:N.Liên
Theo Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, đến hết tháng 11-2024, tỉnh có trên 18,4 ngàn mã số thuế của các DN không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh. Trong đó, 807 mã số thuế thuộc Cục Thuế quản lý và trên 17,6 ngàn mã số thuế thuộc các chi cục thuế quản lý.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, lĩnh vực xử lý hóa đơn rủi ro trong 11 tháng qua có trên 3,8 ngàn DN bị cảnh cáo. Trong đó, đã xử lý trên 2,2 ngàn DN, số còn lại đang xử lý. Tăng thuế giá trị gia tăng phải nộp 66 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ trên 40 tỷ đồng, tăng số thuế thu nhập DN phải nộp lên 12,4 tỷ đồng, giảm lỗ 16 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành thuế đã thực hiện phối hợp với cơ quan công an cung cấp hồ sơ tài liệu theo đề nghị của cơ quan công an.
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyên Văn Viện cho biết, ngành thuế đang tiếp tục đẩy mạnh và bám sát tình hình để triển khai các chuyên đề thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách. Đặc biệt chú trọng vào kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế của người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro; nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu từ hệ thống hóa đơn điện tử trong công tác đối chiếu, phân tích hồ sơ khai thuế.
Ngoài ra, theo ông Viện, ngành thuế sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý việc thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu; kinh doanh, mua bán vàng bạc, đá quý…
Ngọc Liên