Nỗi đau còn mãi
Khoảng 0h15’ ngày 3/11, chị N.H.Q. (SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo thì có một nhóm “quái xế” với hàng chục xe đi tốc độ cao lao đến.
Trong đó có 1 xe chở 2 người đâm trực diện vào xe máy của chị N.H.Q. khiến chị ngã văng xuống đường và tử vong tại chỗ. Đáng chú ý sau khi gây tai nạn, các “quái xế” không dừng xe để cấp cứu người bị nạn mà tiếp tục điều khiển xe phóng đi với tốc độ cao.
Ngày 5/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự vụ nữ nạn nhân N.H.Q bị nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao tông tử vong. Nhưng nỗi đau sẽ còn mãi đối với người thân nạn nhân cũng như người thân của các thanh thiếu niên gây ra vụ việc.
Đối với người dân sinh sống dọc các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, Lê Duẩn, nóc hầm Kim Liên, Giải Phóng,... mỗi dịp cuối tuần đã trở thành nỗi ám ảnh khi những tuyến phố này trở thành cung đường lạng lách, đánh võng, bốc đầu của “quái xế”.
Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn vi phạm trật tự an toàn giao thông lứa tuổi thanh thiếu niên.
Bác Lan (trú tại quận Hoàn Kiếm) cho biết, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, lạng lách, đánh võng dọc nhiều tuyến phố đã diễn ra trong một thời gian dài. Cứ vào khung giờ đêm những ngày cuối tuần, nhiều thanh thiếu niên thường đi xe máy với tốc độ cao, chạy thành một đoàn đông, vừa đi vừa lạng lách, bóp còi inh ỏi và hú hét.
“Tối cuối tuần, nếu con cái hoặc các thành viên trong gia đình phải ra đường là thấy rất bất an. Tôi luôn nhắc nhở mọi người đi lại cẩn thận, nếu thấy đoàn đua thì phải dừng xe, đi lên vỉa hè ngay để tránh nguy hiểm”, bác Lan nói.
Còn theo anh Cường (nhân viên bảo vệ tại một cửa hàng trên phố Lý Thường Kiệt), nhiều người đi đường rất hoảng sợ khi thấy đoàn thanh thiếu niên phóng xe bạt mạng. Hầu hết người đi đường phải dừng hẳn xe lại, đứng nép vào cạnh đường để các đoàn này qua. Những vụ tai nạn từ việc thanh thiếu niên đi xe với tốc độ cao trên phố không phải hiếm.
Ông Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải nhìn nhận, xe máy là phương tiện di chuyển chính. Đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên ngoài sự tiện lợi và phổ biến của xe máy, ông Hùng cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế.
“Tại Việt Nam, theo số liệu thống kế mới nhất, xe máy chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn”, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải đề cập.
Phải có những giải pháp đồng bộ, dài hơi
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã có những đợt ra quân xử lý những vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh. Điển hình, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước từ ngày 1 - 31/10.
Đồng thời phối hợp với nhà trường và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Tuy nhiên thực tế những vi phạm này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Nguyên nhân chủ quan là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế và họ sẵn sàng vi phạm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông nếu không thấy lực lượng chức năng ứng trực trên đường.
Tình trạng đua xe trái phép thường tập trung ở giới trẻ, đây là lứa tuổi dễ bị kích động, có tâm lý muốn thể hiện. Nếu không nhận được sự giáo dục, quản lý tốt từ gia đình khi có sự kích động trên các mạng xã hội thì thanh thiếu niên có xu hướng muốn thể hiện, tụ tập, kích động đua xe trái phép.
Vì vậy, để giải quyết vấn nạn trên cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông đối với thanh thiếu niên.
Qua đó nâng cao trách nhiệm của gia đình, các tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân; nhất là nhóm tuổi thanh, thiếu niên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
“Về giải pháp lâu dài, cần đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch đô thị; trong đó phải bố trí những điểm vui chơi lành mạnh với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông,... cho thanh thiếu niên vì đây là độ tuổi rất giàu năng lượng, mong muốn được thể hiện bản thân. Những sân chơi lành mạnh sẽ giúp thanh thiếu niên tránh xa những tệ nạn, nhất là nạn tụ tập đua xe trái phép”, TS. Trần Hữu Minh cho biết thêm.
Theo Trung tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội), giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.
Tuy nhiên điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong chấp hành pháp luật. Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm.
Gia đình đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông.
Thế Anh