Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tự chế pháo nổ

Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tự chế pháo nổ
một ngày trướcBài gốc
Các cấp, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ. Tuy nhiên, tình trạng tự chế pháo nổ vẫn diễn ra tại một số địa phương, trong đó chủ yếu là đối tượng thanh thiếu niên. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương.
Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) tuyên truyền cho học sinh về tác hại, hậu quả của việc tự chế tạo pháo nổ và đốt pháo. Ảnh: Dương Chung
Năm 2024, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 202 về triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; kiểm tra công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với 30 đơn vị.
Thực hiện cao điểm công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 89 vụ với 103 đối tượng mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép, thu giữ hơn 578kg pháo; phát hiện và xử lý 27 vụ với 31 đối tượng sử dụng pháo trái phép; vận động giao nộp hơn 5kg pháo. Trong những vụ việc này, không ít trường hợp liên quan đến thanh thiếu niên tự chế pháo để bán và sử dụng.
Điển hình như vụ việc diễn ra tại phường Xuân Hòa (Phúc Yên) đầu năm 2024, Công an thành phố Phúc Yên đã tiến hành kiểm tra, phát hiện Phạm Thái Sơn, sinh năm 2005, hộ khẩu thường trú tại phường Trưng Trắc (nay là phường Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên) và Dương Tuấn Anh, sinh năm 2006, hộ khẩu thường trú tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đang lưu thông trên đường có hành vi tàng trữ 40 khối hình trụ tròn được cuốn bằng giấy, mỗi khối hình trụ tròn đều được bịt kín hai đầu.
Phạm Thái Sơn và Dương Tuấn Anh khai nhận 40 khối hình trụ tròn trên là pháo nổ tự chế, đang được vận chuyển đi tiêu thụ thì bị lực lượng công an kiểm tra, phát hiện. Cùng ngày, Sơn đã giao nộp cho cơ quan công an 72 khối hình trụ tròn được cuốn bằng giấy cất giấu tại nhà. Tổng khối lượng pháo thu giữ là hơn 7kg. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can.
Do chưa có nhận thức đầy đủ về tác hại và nguy cơ của việc chế tạo, sử dụng pháo nổ, một số học sinh đã tìm mua nguyên liệu và học cách chế tạo pháo qua các video hướng dẫn trên mạng internet. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố, mẹ đi vắng. Vì thế, có nhiều trường hợp đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Mới đây nhất, tháng 11/2024, vì tò mò, hai anh em N.N.T.K (13 tuổi) và N.N.T.A (14 tuổi) ở thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đã lên mạng đặt mua nguyên vật liệu và làm theo video hướng dẫn để tự chế pháo nổ. Khi đang làm, pháo tự chế phát nổ khiến cả hai phải nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến thể chất và tâm lý của các em.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dịp cuối năm, những ca chấn thương do pháo nổ thường gia tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân từ 10-16 tuổi tự chế pháo để chơi Tết. Tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, thậm chí ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nên việc điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Pháp luật đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chế tạo trái phép các loại pháo nổ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi. Đối với học sinh, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ, lý lịch sau này.
Để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên và học sinh, lực lượng công an trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sự nguy hiểm của hành vi tự chế pháo nổ. Đồng thời tập trung đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo, kiên quyết không để xảy ra các vụ cháy, nổ do pháo tự chế gây ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, vì sự an toàn của cả cộng đồng, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các bậc phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để trẻ em và thanh thiếu niên hiểu rõ hiểm họa từ việc chế và sử dụng pháo. Nếu phát hiện hành vi sản xuất hoặc tàng trữ pháo trái phép, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.
Minh Nguyệt
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122634//ngan-chan-tinh-trang-thanh-thieu-nien-hoc-sinh-tu-che-phao-no