Ngăn chặn tội phạm mua bán người thời 4.0

Ngăn chặn tội phạm mua bán người thời 4.0
3 giờ trướcBài gốc
800 triệu đến 1,2 tỷ đồng là cái giá mà Triệu Thị Kim Thảo (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) nhận được khi môi giới thành công một người mang thai hộ. Để lách luật, Thảo thực hiện mọi hoạt động chăm nuôi, thăm khám tại các bệnh viện. Sau đó thuê người làm chồng giả của mẹ bầu, thu xếp giấy tờ để tráo đổi mẫu tinh trùng, hợp thức hóa việc mang thai hộ. Tuy nhiên, thực chất, đây là hành vi có dấu hiệu mua bán thai nhi từ trong bụng mẹ.
Triệu Thị Kim Thảo khai nhận, khi khách có nhu cầu thì Thảo sẽ thỏa thuận giá, sau đó đi gặp bác sĩ để lên phác đồ. Đến ngày đổi mẫu tinh trùng thì Thảo lấy mẫu và tráo đổi tinh trùng trong viện. Các mẹ bầu mang thai hộ được Thảo trả từ 300-350 triệu đồng".
Trước đây, theo pháp luật hình sự nước ta, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người. Do đó, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xử lý hành vi mua bán thai nhi.
Luật sư Nguyễn Quang Sơn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: "Trước đây chưa có quy định mua bán bào thai, nên trong quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong sửa đổi lần này có bổ sung thêm luật cấm mua bán bào thai, tôi đánh giá là điều rất cấp thiết trong xã hội hiện nay, không chỉ bảo vệ thai nhi mà còn bảo vệ các bà mẹ, phù hợp với các giá trị nhân văn hiện tại".
Ông Nguyễn Công Long, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị: "Chúng ta đều biết mục tiêu cuối cùng là mua bán trẻ sơ sinh. Nếu cứ chiếu theo phải có một con người thì các biện pháp phòng ngừa thiếu hiệu quả. Chúng ta phải mở rộng ở Luật Phòng chống mua bán người".
Trẻ nhỏ thì mua bán theo hình thức mang thai hộ, nhận con nuôi; người trưởng thành thì lại phổ biến với thủ đoạn tìm người lao động ra nước ngoài với mức lương cao. Sau đó, bán họ vào các đường dây tội phạm quốc tế. Trong đó, đặc khu kinh tế Tam giác vàng tại tỉnh Bò Kẹo, Lào là nơi có tình trạng buôn bán lao động diễn ra phức tạp nhất.
Tuy nhiên, không ít trong số những người bị bán sang nước ngoài làm việc lại có chủ đích vượt biên, tự nguyện bỏ tiền ra để đi nước ngoài lao động. Chỉ đến khi bị đánh đập, bạo lực tinh thần, ép buộc phải đi lừa đảo để chuộc thân thì mọi điều mới vỡ lẽ.
Những đề xuất mới trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập sau hơn 12 năm thi hành. Đã đến lúc, khái niệm “mua bán người” được định nghĩa lại để không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay; mà còn phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán.
Đối tượng nhắm đến của tội phạm mua bán người không còn giới hạn ở phụ nữ hay trẻ em, mà còn có nam giới, người lớn tuổi. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Nếu chính mình không tự chủ động bảo vệ bản thân và có các biện pháp phòng ngừa, cảnh giác thì chắc chắn sẽ rơi vào những “cạm bẫy” mà tội phạm giăng ra và tự đưa mình vào vòng vây phạm tội, từ chối quyền được pháp luật bảo vệ.
Kim Oanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-thoi-40-280652.htm