Ngân hàng căng mình, cổ đông 'nóng ruột' vì tác động thuế Mỹ

Ngân hàng căng mình, cổ đông 'nóng ruột' vì tác động thuế Mỹ
9 giờ trướcBài gốc
Lợi nhuận ngành ngân hàng có "thấm đòn" bởi thuế đối ứng từ Mỹ?
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, bên cạnh những nội dung quen thuộc như kế hoạch tăng vốn điều lệ, chia cổ tức hay chiến lược hút dòng vốn ngoại, một chủ đề mới nổi bật đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới cổ đông là khả năng ứng phó của các ngân hàng trước rủi ro từ những cú sốc thuế quan.
Ghi nhận chung cho thấy, lãnh đạo nhiều nhà băng tư nhân tỏ ra khá tự tin, cho rằng tác động trực tiếp từ các chính sách thuế quan đến hoạt động ngân hàng là không đáng kể. Ngược lại, khối ngân hàng quốc doanh lại thận trọng hơn, khi đánh giá những biến động này có thể gây ảnh hưởng rõ rệt tới kết quả kinh doanh.
NGÂN HÀNG TƯ NHÂN TỰ TIN, KHỐI QUỐC DOANH DÈ DẶT
Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, tổng dư nợ của các nhóm khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách này hiện vào khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng dư nợ của BIDV. Những ngành nghề có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn bao gồm thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, máy tính và bất động sản công nghiệp.
“Thuế quan từ Mỹ có thể tác động toàn diện đến nhiều mặt hoạt động như tín dụng, huy động vốn hay dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, nhu cầu vay vốn sẽ sụt giảm khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đình trệ, buộc phải cắt giảm sản xuất để tìm kiếm thị trường mới. Từ đó kéo theo sự suy giảm trong nhu cầu tín dụng.
Không chỉ vậy, hoạt động huy động vốn, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lượng tiền gửi của nhóm này là ngoại tệ”, ông Tú nhấn mạnh.
Về chất lượng tài sản, ông Phan Đức Tú cho rằng đây cũng là lĩnh vực chịu tác động. Khi dòng tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, việc trả nợ ngân hàng sẽ chậm lại, khiến chất lượng tín dụng giảm sút, dẫn tới ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận.
Trong khi đó, tại ngân hàng Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ: "Đối với Vietcombank, hiện nay thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của Vietcombank chiếm khoảng 20% toàn bộ thị trường, trong đó nhiều khách hàng có mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, tập trung vào các ngành hàng liên quan đến linh kiện điện tử, gỗ, thủy hải sản, nhựa… là những mặt hàng bị tác động rất mạnh do chính sách thuế quan".
Chủ tịch Vietcombank cho biết, nhà băng hiện có danh mục khách hàng FDI lớn so với các ngân hàng khác: Chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại khách hàng bán buôn.
"Như vậy, chính sách thuế đương nhiên tác động mạnh đến Vietcombank, và mạnh hơn các ngân hàng khác", ông Tùng khẳng định.
Với ngân hàng MB, Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh thông tin: “Chúng tôi đánh giá nhóm khách hàng xuất khẩu sang Mỹ (bao gồm cả FDI và trong nước) tại MB không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ. MB đang rà soát các khách hàng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao (50%) để hỗ trợ kịp thời”.
Không riêng MB, lãnh đạo của nhiều ngân hàng khác cũng bày tỏ quan điểm thận trọng nhưng vẫn tự tin trước nguy cơ từ các chính sách thuế quan.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, hiện tại TPBank đang có khoảng 10.800 tỷ dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Với những khách hàng này thì doanh số xuất nhập khẩu chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu, nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TPBank chỉ dùng dịch vụ thanh toán, mua bán kinh doanh ngoại tệ và các dịch vụ khác còn không vay. Thường các doanh nghiệp này sẽ vay ở các ngân hàng chính quốc như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, trường hợp này cũng không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
"Tôi đánh giá, chỉ có 2-3 khách hàng đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có thể chịu tác động. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên phương án để hỗ trợ họ cơ cấu lại sản xuất nếu cần thiết", ông Hưng chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết đã rà soát danh mục và các khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng từ mạnh đến trung bình. Kết quả rà soát với chính sách cân bằng quản trị rủi ro danh mục, mức độ ảnh hưởng trực tiếp là không lớn. Dư nợ của HDBank nhập khẩu ở thị trường Mỹ ở dưới 1,5% danh mục ghi nợ của ngân hàng
Với chỉ số CAR ở thời điểm hiện tại khoảng 14,85%, HDBank tự tin rằng sức chống chịu tốt với biến động thị trường và khủng hoảng. Ngoài ra, HDBank có thuận lợi room tăng trưởng cao, đa dạng hóa danh mục, vào các công trình dự án, tài trợ tiêu dùng... “Đó là lý do vì sao chúng tôi tự tin ứng biến tốt với khó khăn vừa qua liên quan chính sách thuế của Mỹ, tiếp tục hỗ trợ khách hàng”, lãnh đạo HDBank khẳng định.
Về phía SHB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển cho hay, ngân hàng đã tiến hành rà soát toàn bộ danh mục tín dụng, đặc biệt tập trung vào nhóm khách hàng xuất khẩu – đối tượng được đánh giá có khả năng chịu tác động rõ rệt trước những biến động của chính sách thuế quan. Tuy nhiên, tỷ trọng ảnh hưởng được đánh giá là không quá lớn, ông Hiển cho biết.
NGÂN HÀNG CĂNG MÌNH DỰNG “LÁ CHẮN” TRƯỚC NGUY CƠ THUẾ QUAN
Mặc dù tự tin, song, tất cả đều không chủ quan, chủ động dựng “lá chắn” ứng phó nhằm bảo vệ hoạt động ngân hàng trước những biến động khó lường của thương mại toàn cầu. Dù chưa có kết quả chính thức từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung, BIDV vẫn đang thận trọng xây dựng các kịch bản ứng phó. Ông Tú khẳng định, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt chất lượng tài sản, như đã từng làm trong giai đoạn 2020 - 2024, khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp ba lần – từ 10.000 tỷ đồng lên gần 32.000 tỷ đồng.
Còn đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với khách hàng, để cùng với khách hàng có giải pháp phối hợp với nhau, hạn chế tác động nếu bị đánh thuế với quy mô cao như dự kiến ban đầu.
Có 2 giải pháp cơ bản, một là chính sách đa dạng hóa chuyển dịch thị trường và hai là chính sách hỗ trợ tài chính trong lúc gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng không xuất khẩu được, đơn hàng bị giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các giải pháp của Vietcombank cùng khách hàng là báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để cùng có chỉ đạo, định hướng chung, gắn với từng ngành nghề, từng đối khách hàng để có giải pháp cụ thể trong thời gian tới
Với giải pháp tổng thể từ cấp chỉ đạo cao nhất, hiện nay Vietcombank cũng tích cực tham gia cùng khách hàng để tổ chức triển khai, hy vọng việc áp thuế 46% không diễn ra.
Vừa qua, Vietcombank đã ký 1 thỏa thuận tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay thân hẹp Boeing của Mỹ, đây cũng là giải pháp trong tổng thể các giải pháp. Hoặc tài trợ khách hàng nhập khẩu khí hóa lỏng từ mỹ, máy móc thiết bị từ mỹ, để giảm chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam và Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank, ông Phạm Mạnh Thắng cho biết, ngân hàng đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, đặc biệt là những biến động xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Đại diện PGBank đánh giá, chính sách thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác. Cùng với đó, căng thẳng thương mại và những đòn đáp trả thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam.
Với vị thế là một quốc gia vừa xuất khẩu sang Trung Quốc vừa phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường này, bất kỳ cú sốc nào từ Trung Quốc cũng để lại dư chấn mạnh hơn so với từ Mỹ.
Trước thực tế đó, PGBank đã nhanh chóng tổ chức các phiên họp nội bộ để cùng khách hàng đánh giá rủi ro, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm ứng phó với việc bị áp thuế hoặc gặp gián đoạn thanh toán.
Các biện pháp cụ thể được triển khai bao gồm: điều chỉnh chính sách ngoại tệ, cải tiến các nghiệp vụ thanh toán, hỗ trợ chuyển đổi thị trường và xây dựng chương trình tiết giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng. Đồng thời, ngân hàng cũng đang hoàn thiện hệ thống kiểm soát và quản trị rủi ro, không chỉ để phản ứng nhanh chóng mà còn giúp phòng ngừa trước các tình huống bất ngờ có thể phát sinh.
Phía HDBank cũng đã chủ động rà soát toàn bộ danh mục khách hàng có khả năng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan, từ mức độ cao, trung bình đến không đáng kể.
Theo Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh, sau khi có những đánh giá ban đầu, ngân hàng đã xây dựng các chính sách vừa quản trị rủi ro tốt hơn vừa hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời điều chỉnh cấu trúc tài trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, “với room tín dụng được cấp cao trong năm 2025, HDBank có thêm dư địa để mở rộng tài trợ đối với các dự án sản xuất – kinh doanh trong nước, cũng như tăng cường cho vay tiêu dùng. Đây được xem là chiến lược giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu phụ thuộc vào nhóm khách hàng có rủi ro cao từ thị trường Mỹ, tạo thế cân bằng để ứng phó tốt hơn trước các bất ổn vĩ mô toàn cầu”, ông Thanh nói.
Mặt khác, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết, ngân hàng đã có những bước đi chủ động trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó trước các cú sốc thuế quan có thể xảy ra.
Đáng chú ý, ông Hiển tiết lộ đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cách đây một tuần nhằm trao đổi sâu về nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia, trong đó có tài chính -ngân hàng và các hoạt động của Tập đoàn T&T.
“Hai bên đã tìm được tiếng nói chung trên tinh thần hợp tác cùng có lợi. SHB không chỉ chú trọng đến việc đảm bảo hoạt động của ngân hàng mà còn cam kết đồng hành cùng khách hàng vượt qua các biến động khó lường của thị trường”, ông Hiển nhấn mạnh.
Nguyễn Lan
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/ngan-hang-cang-minh-co-dong-nong-ruot-vi-tac-dong-thue-my-post559586.html