Ngân hàng chi hàng chục nghìn tỷ đồng để 'thưởng nóng' cổ đông

Ngân hàng chi hàng chục nghìn tỷ đồng để 'thưởng nóng' cổ đông
6 giờ trướcBài gốc
Ngành ngân hàng có mùa chia cổ tức sôi động nhất nhiều năm, với hàng chục nghìn tỷ đồng được rót về tài khoản của cổ đông. Thống kê của VnBusiness, có 9/27 nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, với tổng số tiền dự kiến chi trả lên tới hơn 33.000 tỷ đồng - con số lớn nhất trong 5 năm trở lại đây.
Mùa cổ tức sôi động nhất nhiều năm
Riêng trong tháng 5 có 4 ngân hàng dự chi khoảng 16.000 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông gồm LPBank, VIB, TPBank và VPBank. Trong đó, LPBank chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trong các ngân hàng hiện nay, với tỷ lệ chia là 25%, tương ứng tổng số tiền chi trả hơn 7.468 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông LPBank nhận cổ tức là 20/5 và ngày thanh toán dự kiến là 28/5.
Trong khi đó, VIB sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận 700 đồng) thời gian thực hiện vào 23/5. Tổng số tiền VIB dự kiến chi trả cổ tức khoảng 2.085 tỷ đồng.
Cổ đông TPBank cũng sắp được nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng), ngày thanh toán là 23/5.
9/27 nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, với tổng số tiền dự kiến chi trả lên tới hơn 33.000 tỷ đồng
Tương tự, cổ đông VPBank sắp nhận được cổ tức tiền mặt với tỷ lệ chi trả cổ tức là 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng), ngày thanh toán là 23/5. Số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.
Còn 5 đơn vị khác gồm ACB, Techcombank, SHB, OCB và MB cũng thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền, dự kiến triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, OCB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với 700 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7%, đây là lần đầu tiên ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi niêm yết.
Techcombank cũng lên kế hoạch trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu), tổng số tiền chi trả ước tính gần 7.065 tỷ đồng dựa trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tương tự, MB cũng tham gia vào làn sóng chia cổ tức tiền mặt, dự kiến chi 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%.
Còn ACB chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Số tiền mà ACB dự kiến dùng để chia cổ tức là 4.467 tỷ đồng. Cố tức sẽ được thanh toán vào ngày 5/6/2025. SHB cũng có kế hoạch chia cổ tức với tổng tỷ lệ 18%, bao gồm 5% cổ tức bằng tiền mặt và 13% bằng cổ phiếu.
Đáng chú ý, việc các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt giúp cho các "ông chủ" nhà băng sở hữu lượng lớn cổ phiếu có thể nhận hàng trăm tỷ đồng cổ tức. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank người đang sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu LPB, ước tính sẽ nhận về khoảng 177 tỷ đồng tiền mặt trong đợt chia cổ tức này.
Tương tự, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch VIB HĐQT Đặng Khắc Vỹ cùng vợ và con trai hiện nắm giữ tổng cộng khoảng 311 triệu cổ phiếu VIB, có thể nhận về hơn 218 tỷ đồng tiền mặt trong năm nay. Nhóm gia đình ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank đang nắm giữ gần 196 triệu cổ phiếu TPB, dự kiến có thể nhận về khoảng 196 tỷ đồng.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đang sở hữu 328 triệu cổ phiếu VPB, dự kiến sẽ nhận được khoảng 164 tỷ đồng tiền mặt. Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB đang sở hữu khoảng 115 triệu cổ phiếu ACB, dự kiến sẽ nhận được khoảng 115 tỷ đồng cổ tức.
Hài hòa lợi ích cổ đông và ngân hàng
Cổ tức bằng tiền mặt luôn là lựa chọn yêu thích của cổ đông khi nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn. Theo Chứng khoán VPS, những đơn vị thường xuyên trả cổ tức bằng tiền có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch. Đây là một đặc điểm hấp dẫn nhà đầu tư với khả năng sinh lời cao, nhận được tiền mặt trực tiếp, mang lại cảm giác an toàn và ổn định.
Điều này cũng được lãnh đạo các ngân hàng khẳng định với cổ đông. Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, việc chia cổ tức tiền mặt là kết quả của quá trình cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, nhằm hài hòa lợi ích cổ đông và ngân hàng.
Trong khi đó, tại VPBank, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng tái khẳng định, chiến lược cổ tức tiền mặt đang được duy trì theo cam kết 5 năm từ năm 2022 nhằm cân bằng giữa lợi ích cổ đông và chiến lược dài hạn.
Còn theo lãnh đạo TPBank, chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt dựa trên cơ sở hoạt động kinh doanh ổn định, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng nhà băng.
Với các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán còn lại, một số năm nay không chia tiền mặt và phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, như MSB, NamABank, NCB, Kienlongbank... Kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức của các nhà băng nằm trong lộ trình cải thiện nền tảng vốn, chuẩn bị cho các yêu cầu mới từ phía cơ quan quản lý về đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo lộ trình từ mức 8% hiện hành lên 10,5% vào 2033.
Bên cạnh đó, một vài đơn vị như SeABank, Sacombank, Eximbank và ABBank không chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu trong năm nay. Muốn chia cổ tức, Sacombank phải hoàn tất quá trình tái cơ cấu, trong đó cần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án xử lý số cổ phiếu của ông Trầm Bê. Còn với Eximbank và SeABank, ban lãnh đạo nói không chia cổ tức năm nhằm củng cố năng lực tài chính nội tại.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-chi-hang-chuc-nghin-ty-dong-de-thuong-nong-co-dong-1106840.html