Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hoạt động và dự họp giao ban tại Điểm Giao dịch xã Di Linh trong phiên giao dịch đầu tiên sau sáp nhập
Giao dịch xã là cách thức tổ chức giao dịch của NHCSXH với khách hàng tại Điểm giao dịch đặt trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện các nghiệp vụ phát sinh đối với các khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan, như: các giao dịch thu, chi thuộc nghiệp vụ tín dụng; thu, chi thuộc nghiệp vụ tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV; nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm…
Phiên giao dịch xã đầu tiên sau sáp nhập tại Điểm giao dịch trên địa bàn Phường Xuân Hương - Đà Lạt
Hoạt động của Điểm giao dịch nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được thuận lợi nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất; thay vì người dân phải đi ra trung tâm Trụ sở NHCSXH hằng tháng, NHCSXH tổ chức giao dịch tại các Điểm giao dịch xã để phục vụ Nhân Dân, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại và hạn chế tối đa độ rủi ro cho bà con…
Phiên giao dịch xã đầu tiên sau sáp nhập tại Điểm giao dịch trên địa bàn xã Hàm Thạnh
Theo đánh giá ban đầu, tại các Điểm giao dịch trong ngày đầu tiên sau sáp nhập tỉnh, các hoạt động giao dịch: giải ngân, thu nợ, gửi/rút tiền tiết kiệm của người dân diễn ra thông suốt. Trong phiên giao dịch, số thu nợ tại các Điểm giao dịch xã giao động từ 200 triệu đến 1,2 tỷ đồng; thu lãi đạt 100 đến hơn 400 triệu đồng, thu tiết kiệm từ vài chục đến hơn 400 triệu đồng, giải ngân cho vay từ 75 triệu đến một tỷ đồng, thu nợ gốc hơn 200 triệu đồng…
Được biết, sau hợp nhất 3 tỉnh (Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng có quy mô: tổng nguồn vốn đạt 17.869 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 2.000 tỷ đồng; Tổng dư nợ là 17.395 tỷ đồng/289.725 khách hàng vay vốn... Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng mới có 1 hội sở, 27 Phòng Giao dịch; đồng thời, vẫn giữ nguyên mô hình 329 Điểm giao dịch xã, với 6.460 Tổ Tiết kiệm & Vay vốn tại 124 xã, phường và đặc khu Phú Quý.
PHẠM LÊ