6 tháng đầu năm, Techcombank báo lãi hơn 15.000 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ và hoàn thành 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ảnh: TCB.
Lợi nhuận bán niên giảm nhẹ, một phần do áp lực NIM
Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố, Techcombank (mã: TCB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động quý II đạt 12.743 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh thu nhập lãi và ngoài lãi đều suy giảm nhẹ. Lợi nhuận trước thuế quý II dù vậy vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 7.899 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 35%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Techcombank báo tổng thu nhập hoạt động đạt 24.354 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ. Trong đó, ở mảng kinh doanh chính, thu nhập lãi thuần giảm 3% xuống 17.442 tỷ đồng do chi phí trả lãi tiền gửi, trả lãi phát hành giấy có giá… tăng mạnh hơn so với thu nhập lãi cho vay…
Ở mảng thu nhập ngoài lãi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, từ kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư... đều giảm so với cùng kỳ. Điểm sáng là lãi thuần từ hoạt động khác tăng hơn 3 lần cùng kỳ, đạt 814 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh thu hồi xử lý nợ xấu.
Với việc thu nhập hoạt động suy yếu, đặc biệt là thu nhập lãi thuần trong bối cảnh NIM thu hẹp do áp lực cạnh tranh lãi suất và các chính sách hỗ trợ khách hàng, mặc dù đã nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động cũng như chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận trước thuế bán niên của Techcombank vẫn giảm khoảng 3% xuống 15.135 tỷ đồng.
Techcombank cũng là nhà băng đầu tiên báo lợi nhuận nửa đầu năm đi lùi trong số khoảng 7 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính KQKD bán niên đến thời điểm hiện tại. Dù vậy nếu so với mục tiêu lợi nhuận cả năm 31.500 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử hoạt động, thì sau 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành khoảng 48% kế hoạch.
Trong các quý còn lại của năm, hầu hết các phân tích cho rằng NIM của Techcombank sẽ tiếp tục chịu áp lực, tương đồng với xu hướng chung của toàn ngành. Dù vậy, về mặt tích cực, Techcombank được đánh giá sẽ kiểm soát đà giảm của NIM tốt hơn và có khả năng vẫn duy trì NIM ở mức cao tương đối, một phần dựa trên lợi thế CASA cũng như xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản.
Mảng thu ngoài lãi cũng được kỳ vọng sẽ diễn biến khả quan trong nửa cuối năm với động lực thúc đẩy chủ yếu đến từ việc thành lập và mua lại công ty bảo hiểm giúp hồi phục doanh thu banca, hoạt động tư vấn phát hành khởi sắc hơn cũng như nỗ lực tăng cường thu hồi xử lý nợ xấu.
Tỷ trọng cho vay BĐS lớn có thể trở thành lợi thế tăng trưởng
Cũng theo báo cáo tài chính, tại thời điểm kết thúc quý II/2025, tổng tài sản của Techcombank đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (đạt gần 1,04 triệu tỷ) và tăng 6% so với đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 12,44% so với đầu năm, với tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 710.000 tỷ đồng. Ngoài gần 269.000 tỷ đồng cho vay cá nhân (chiếm gần 40% tổng dư nợ), tín dụng tại Techcombank còn tập trung vào một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản (227.450 tỷ đồng, tương ứng 33,62% tổng dư nợ và tăng 22% so với đầu năm), bán buôn bán lẻ (56.583 tỷ đồng, tương ứng 8,36% tổng dư nợ và tăng 3% so với đầu năm)...
Chất lượng tài sản sụt giảm nhẹ, dư nợ xấu tăng khoảng 26% lên hơn 8.900 tỷ đồng, một phần do biến động từ các khoản vay thế chấp của nhóm khách hàng lớn. Tuy vậy tỷ lệ nợ xấu vẫn ổn định dưới 1,5%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn CAR tiếp tục ở mức cao cùng tỷ lệ CASA tăng trưởng tích cực.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research nhận định lợi thế tăng trưởng lợi nhuận trong phần còn lại của 2025 cũng như năm 2026 sẽ nghiêng nhiều hơn về nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS lớn, trong đó có Techcombank. Điều này được lý giải bởi kỳ vọng động lực tăng trưởng tín dụng đến nhiều hơn từ các dự án BĐS và hạ tầng, đây cũng là hai lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm chính sách ngày càng lớn.
Hầu hết các dự phóng đều ước tính tăng trưởng tín dụng năm nay của Techcombank sẽ đạt quanh mức 20%. Một động lực quan trọng là các khoản cho vay mua nhà đang dần hồi phục với nhiều dự án lớn đang có tình hình mở bán khá tốt; cùng đó cho vay BĐS cũng sẽ được duy trì khi nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Ngoài ra, với tỷ trọng cho vay BĐS lớn, Techcombank cũng được dự báo sẽ nằm trong nhóm ngân hàng hưởng lợi rõ rệt hơn từ việc Luật hóa Nghị quyết 42 và những thay đổi liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Cụ thể, theo Chứng khoán KB Việt Nam, nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ là các ngân hàng có quy mô nợ xấu ngoại bảng lớn và tỷ lệ LTV (Loan to Value, chỉ tính riêng đối với TSBĐ là bất động sản) ở mức thấp đến trung bình. Đây là nhóm có khả năng thu hồi giá trị từ tài sản bảo đảm cao hơn, từ đó tạo điều kiện ghi nhận hoàn nhập dự phòng hoặc tăng thu nhập khác trong kỳ.
Ảnh: KBSV
Báo cáo tài chính 2024 cho thấy bên cạnh các ngân hàng gốc quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân như VPBank, Techcombank, VIB, SHB, TPBank, OCB... đang ghi nhận nợ xấu ngoại bảng chiếm tỷ trọng đáng kể so với vốn chủ sở hữu.
Tại Techcombank, tính đến cuối năm 2024, tổng quy mô nợ xấu nội bảng và ngoại bảng ước đạt khoảng 65.000 tỷ, cao thứ hai trong số 24 ngân hàng tư nhân niêm yết. Trong đó khoảng 11% (hơn 7.000 tỷ đồng) là nợ xấu nội bảng, còn lại là nợ xấu ngoại bảng (bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi). Tỷ lệ nợ xấu ngoại bảng trên vốn chủ sở hữu khoảng 44%, theo tính toán của KBSV.
Các chuyên gia cho rằng áp lực nợ xấu ngoại bảng lớn một mặt phản ánh áp lực tiềm tàng, mặt khác lại mở ra dư địa ghi nhận thu hồi nếu khung pháp lý được cải thiện.
Diên Vỹ