Ngân hàng dồn sức cho 'cuộc đua' tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm

Ngân hàng dồn sức cho 'cuộc đua' tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm
3 giờ trướcBài gốc
Đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 41.026 tỷ đồng, tăng 965 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/ 2023, tương đương mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) khoảng 2,4%. Đây là kết quả thấp so với kế hoạch kinh doanh ngành NH tỉnh đề ra. Vì thế, đòi hỏi các TCTD dồn sức cho "cuộc đua” TTTD 3 tháng cuối năm, phấn đấu đạt tốc độ phù hợp với đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank) triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay an toàn, hiệu quả. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại LPBank chi nhánh Hòa Bình.
Nhiều áp lực trong "cuộc đua” tăng trưởng
Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ chỉ tiêu TTTD cho các TCTD tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế). Cách điều hành này vừa giúp các TCTD tăng tính chủ động trong hoạt động cho vay, vừa góp phần mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Theo định hướng chung của toàn hệ thống, ngành NH tỉnh Hòa Bình phấn đấu mục tiêu TTTD năm 2024 đạt khoảng 15% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tình hình KT-XH 9 tháng năm nay xuất hiện nhiều áp lực tác động đến cuộc đua tăng trưởng của ngành NH, nhất là đối với mục tiêu TTTD 15%. Trên địa bàn tỉnh, mặc dù nền kinh tế trên đà phục hồi nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của các thành phần kinh tế còn thấp, nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh chưa cao, nhất là tại khu vực kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Những đặc điểm này trở thành lực cản đối với các NH trong cuộc đua tăng trưởng nói chung và TTTD năm 2024 nói riêng.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình, đến ngày 30/9, tổng dư nợ cho vay của các TCTD đạt 41.026 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2023. Kết quả này đạt thấp so với mức TTTD cùng kỳ năm 2023 là 9,8%; mức TTTD của toàn nền kinh tế là 9%; mức TTTD bình quân của khu vực 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là 6,41%. Như vậy, TTTD 9 tháng của các NH trên địa bàn tỉnh chưa đồng tốc với hệ thống toàn quốc.
Cùng với đó, kết quả huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư cũng chưa đạt như kỳ vọng. Thống kê đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 36.139 tỷ đồng, tăng 1.511 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương mức tăng trưởng nguồn vốn huy động đạt 4,4%, thấp hơn mức 7,1% của cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy các TCTD phải đối mặt với nhiều áp lực, cả trong cuộc đua đầu tư cho vay lẫn trong hoạt động huy động vốn.
Phân tích tình hình tăng trưởng của các TCTD trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh cho biết, bên cạnh các NH có kết quả hoạt động khá tốt như Agribank, Vietinbank, MB Bank..., một số đơn vị có dư nợ giảm so với cuối năm 2023 nên sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực trong 3 tháng cuối năm 2024. Đây là thời gian đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả hoạt động của cả năm, vì thế, NHNN đã định hướng đối với các TCTD: Tập trung triển khai kế hoạch kinh doanh quý IV/2024 với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là khơi tăng tín dụng, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu vốn trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu TTTD an toàn.
Vừa tăng trưởng vừa đảm bảo chất lượng tín dụng
Trong tình hình tín dụng 9 tháng, kết quả cho vay của Agribank nổi bật nhất so với các TCTD trên địa bàn tỉnh, chiếm 31,75% thị phần tín dụng. Đồng chí Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh Hòa Bình cho biết: Từ đầu năm đến nay, hệ thống Agribank chú trọng triển khai các gói tín dụng ưu đãi. Kết quả đến hết tháng 9, tín dụng tăng 726 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch giao; tốc độ TTTD đạt 5,9%, cao hơn mặt bằng chung toàn ngành trên địa bàn tỉnh; chất lượng tín dụng tương đối ổn định, nợ xấu chiếm 0,6% tổng dư nợ. Những kết quả này tạo đà thuận lợi để Agribank chi nhánh Hòa Bình tự tin hoàn thành đạt và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Ghi nhận trên toàn hệ thống, đến cuối tháng 9, LPBank là ngân hàng có mức TTTD cao nhất với mức 15,97% (dư nợ tăng thêm gần 44.000 tỷ đồng trên toàn quốc). Đồng chí Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc LPBank chi nhánh Hòa Bình cho biết: Trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, LPBank tại Hòa Bình đã mở rộng mạng lưới tới 10 huyện, thành phố, hiện nay có 1 trụ sở chính và 10 phòng giao dịch, tổng số 145 cán bộ, nhân viên. Đến ngày 30/9, LPBank tại Hòa Bình huy động vốn trên 6.522 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 1.700 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 10, ngân hàng tái triển khai sản phẩm cho vay vốn thông qua tổ liên kết vay vốn. Đây là sản phẩm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho bà con trong toàn tỉnh, vùng sâu, vùng xa có thể bổ sung vốn kinh doanh, mua sắm tài sản bảo đảm với số tiền 100 triệu đồng mà không phải thế chấp, qua đó giúp giảm bớt nạn tín dụng đen hoặc vay lãi cao thông qua các công ty tài chính, đồng thời thúc đẩy mức TTTD của LPBank trong 3 tháng cuối năm.
Hòa vào cuộc đua TTTD 3 tháng cuối năm, các TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng hấp dẫn để vừa "bơm” vốn cho nền kinh tế, vừa dồn lực tăng tốc cho cuộc đua quan trọng của ngành NH. Trong nỗ lực chung, các TCTD tiếp tục bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động NH của NHNN và chỉ đạo của Hội sở chính, hướng tới mục tiêu tăng trưởng an toàn, hiệu quả.
Đồng chí Phan Minh Anh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi và có đà phát triển tốt, NHNN cũng lưu ý các TCTD không vì mục tiêu TTTD mà hạ thấp chuẩn tín dụng để tìm kiếm khách hàng. Phải gắn TTTD với đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống. Trên thực tế, các TCTD đều mong muốn TTTD và khẳng định không thiếu vốn để "bơm” cho nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, giải ngân tín dụng là bài toán khó, bởi lời giải không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng, mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi khách hàng không sử dụng vốn hiệu quả hay gặp khó trong khả năng trả nợ, đồng nghĩa với áp lực rất cao đối với khả năng kiểm soát nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng của ngành NH. Chính vì thế, trong những tháng cuối năm, toàn ngành xác định cần tăng cường giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu vừa tăng trưởng vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, hướng tới sự phát triển bền vững của hệ thống NH.
Thu Trang
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/12/194689/ngan-hang-don-suc-cho-cuoc-dua-tang-truong-tin-dung-nhung-thang-cuoi-nam-.htm